Nhiều địa điểm bán vỉa hè treo bảng giải cứu, nhưng giá dưa hấu hơn 10.000 đồng/kg, thậm chí có nơi 15.000 đồng/kg; thanh long giá 15.000-20.000 đồng/kg, sầu riêng giá 60.000-80.000 đồng/kg… Trong khi cũng để giải cứu nông sản, nhiều địa điểm từ thiện chỉ bán thanh long với giá 10.000 đồng/kg, dưa hấu khoảng 5.000 đồng/kg, đã bao gồm tất cả chi phí.
Thế nhưng, bên cạnh việc giải cứu theo phong trào, thậm chí tận dụng giải cứu để truyền thông thương hiệu, hay bán nông sản giải cứu nhưng sản phẩm kém chất lượng, đã có nhiều doanh nhân tham gia thực chất hơn. Đó là “Vua bánh” Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty bánh kẹo ABC, Chủ tịch Hiệp hội bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, với món bánh mì thanh long.
Từ mong mỏi muốn chung tay giúp bà con trồng thanh long vơi bớt khó khăn khi tắc biên, giá thanh long rớt thảm vẫn không tiêu thụ được, ông Lực cùng đội ngũ nghiên cứu phát triển của công ty đã thử nghiệm thành công và đưa đến tay người tiêu dùng món bánh mì độc đáo này trên khắp hệ thống cửa hàng của mình ở cả nước. Nhiều cửa hàng, siêu thị đã tung món bánh mì thanh long lên kệ và đều được người mua đón nhận nhiệt tình.
Sau thanh long người ta còn thấy ông vua bánh này làm bánh mì dưa hấu, rồi bánh thanh long nhân sầu riêng. Ông Lực đã bắt tay với thương hiệu sầu riêng 6 Ri để bắt đầu với món thanh long nhân sầu riêng và nhiều sáng tạo với món sầu riêng đang được doanh nhân này ấp ủ trong thời gian tới. Và khi thăng hoa trong sáng tạo với những loại rau quả nhiệt đới, danh sách những loại bánh mới của ABC chắc chắn chưa dừng lại ở đó.
Cũng nghiên cứu làm ra sản phẩm từ thanh long và dưa hấu, còn có các doanh nhân như anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty thực phẩm Duy Anh; chị Nguyễn Thu Hồng, Giám đốc Công ty Carafoods. Anh Duy Toàn đã cùng với đội ngũ của công ty nghiên cứu tìm tòi và cho ra 2 sản phẩm mới là bún dưa hấu và bánh tráng thanh long. Trong khi đó, chị Thu Hồng tung ra món chả cá 2 da phủ thanh long.
Nông nghiệp là một lĩnh vực kinh tế rất biến động và rủi ro, bởi ngành nông nghiệp không những chỉ dựa vào nguồn tiêu thụ nội địa mà dựa vào tiêu thụ quốc tế, xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP. Đây là điều làm cho nông nghiệp phụ thuộc lớn vào biến động thị trường hàng hóa.
Chính vì thế, để không bị lặp lại điệp khúc giải cứu nông sản, buộc chúng ta phải đẩy mạnh hơn trong việc chế biến sản phẩm nông nghiệp. Song việc chế biến sâu rau quả không chỉ trông chờ vào các nhà máy lớn với những sản phẩm quen thuộc như sấy khô, sấy dẻo, nước đóng chai… mà sẽ đi vào nhiều sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày với sự tham gia của nhiều DN nhỏ, vừa. Việc làm của các doanh nhân trên là hướng đi đầy triển vọng cho sản phẩm rau quả của Việt Nam trong chế biến sâu.
Giải cứu thực sự phải tham gia sâu thúc đẩy thay đổi, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, không phải hô hào mua đồ lúc dội chợ, rồi lại tạo ỷ lại, lười biếng không phát triển, hoặc mượn gió bẻ măng bán hàng kém chất lượng. Điều này cho thấy cần có sự chung tay của các cơ quan nhà nước, người dân trong việc đảm bảo những vùng nguyên liệu an toàn từng bước theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, để nâng giá trị nông sản dù xuất tươi hay chế biến sâu.
Lâu nay khi nhắc đến chế biến sâu nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau quả, người ta thường nhắc đến những nhà máy ngàn tỷ với những sản phẩm như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh… Song số lượng nhà máy này vẫn còn khá hạn chế và bài toán giải cứu chưa có lời giải.
Những ngày qua khi thanh long, dưa hấu đi vào công nghệ thực phẩm, góc nhìn chế biến sâu đang dần rộng mở. Với lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN chế biến lương thực, thực phẩm quy mô lớn, chắc chắn sau dịch cơ hội phát triển cho ngành thực phẩm nói chung sẽ còn rất lớn, cơ hội cho ngành rau quả theo đó cũng sẽ nhiều hơn.