Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về các vấn đề liên quan đến nghỉ lễ, tết, tiền làm thêm giờ theo Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, quận 6, TPHCM
Thưa ông, quy định về nghỉ lễ, tết theo quy định mới có thay đổi ra sao?
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Về ngày nghỉ lễ, tết, theo quy định tại khoản 1, Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 11 ngày lễ, tết. Cụ thể: 1 ngày Tết Dương lịch (ngày 1-1); 5 ngày Tết Âm lịch; 1 ngày Chiến thắng (ngày 30-4 dương lịch); 1 ngày Quốc tế Lao động (ngày 1-5 dương lịch); 2 ngày Quốc khánh (ngày 2-9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau) và 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch). Như vậy, số ngày nghỉ tăng thêm 1 ngày so với luật cũ, đó là ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2-9, tùy thực tế và do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Một vấn đề người lao động rất quan tâm là tiền lương, tiền thưởng vào các dịp lễ, tết được quy định ra sao, thưa ông?
Trong những ngày lễ, tết, người lao động được nghỉ làm việc và được hưởng nguyên lương. Về tiền thưởng, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trong trường hợp người lao động phải đi làm trong ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết thì tiền lương được chi trả trên cơ sở nào?
Về nguyên tắc, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết là ngày người lao động được nghỉ làm việc và được hưởng nguyên lương. Nếu người lao động phải đi làm trong ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì được coi là làm thêm giờ và lương được chi trả theo tiền lương làm thêm giờ. Cụ thể, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày). Về cơ bản, từ năm 2021, lương làm việc ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết của người lao động được giữ nguyên so với luật cũ. Điểm khác biệt là trong trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày thường; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Thưa ông, trong bối cảnh tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, không ít người lao động đã phải làm thêm giờ, chọn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, an toàn lao động?
Đúng là nếu làm thêm quá nhiều, ít thời gian nghỉ ngơi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn trong lao động cũng như sự hưởng thụ văn hóa tinh thần của người lao động. Pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc làm thêm giờ. Theo đó, số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày; không quá 40 giờ/tháng (luật cũ là 30 giờ) và không quá 200 giờ/năm (một số trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm). Điểm khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm là từ năm 2021, trần làm thêm giờ theo tháng được nới từ 30 giờ lên 40 giờ/tháng nhưng tổng giờ làm thêm vẫn là 200 giờ/năm.
Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035). Theo lộ trình, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam là đủ 60 tuổi 3 tháng; tuổi nghỉ hưu của nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ cho đến khi nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. |