Đường mới làm đã... xuống cấp

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt (đường 723) sẽ hoàn thành vào tháng 10-2011. Đến nay  dù chưa nghiệm thu nhưng khối lượng công việc đã hoàn thành gần như 100%. Có điều tuyến đường chưa được bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt (đường 723) sẽ hoàn thành vào tháng 10-2011. Đến nay  dù chưa nghiệm thu nhưng khối lượng công việc đã hoàn thành gần như 100%. Có điều tuyến đường chưa được bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng.

Phải sửa chữa gần như toàn bộ

Tháng 10-2009, giai đoạn 2 tuyến đường 723 Nha Trang - Đà Lạt (đoạn Cầu Lùng - Khánh Lê) được khởi công. Đoạn đường này đi qua một số xã của 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài mục đích thúc đẩy du lịch, đoạn đường này còn kỳ vọng tạo động lực cho hàng ngàn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc đoạn đường có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, giảm đói nghèo.

Mặt đường bị hư hỏng nặng, đang được đào lên để sửa chữa.

Mặt đường bị hư hỏng nặng, đang được đào lên để sửa chữa.

Mục đích là vậy, nhưng khi tuyến đường này gần hoàn thành để đưa vào sử dụng, người dân lại thất vọng tràn trề vì đường mới làm còn xấu hơn tuyến đường cũ.

Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài hơn 33km, điểm bắt đầu từ Quốc lộ 1A tại cột km1.465 thuộc địa bàn huyện Diên Khánh nối vào điểm cuối cột km37 của đoạn Khánh Lê - Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư cho dự án gần 550 tỷ đồng.

Công trình hoàn thành sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên, đường chưa được nghiệm thu và bàn giao đã xuất hiện hàng loạt điểm bị nứt, sụt, lún... Đặc biệt, từ cột km3 mặt đường có nhiều điểm bị đào lên. Hỏi ra mới biết đơn vị thi công đang sửa chữa các điểm đường kém chất lượng.

Chạy thêm khoảng 5km, mặt đường trông thê thảm hơn nhiều lần, có đoạn chỉ vài trăm mét nhưng có đến hàng chục điểm bong, nứt được đào lên thành từng hố rộng vài chục mét vuông. Kinh hoàng nhất là đoạn từ nút cầu Sông Cầu (đi qua thị trấn Khánh Vĩnh) dài khoảng 3km gần như hư hỏng hết.  

 Hỏng do thời tiết?

Có thể nói, đoạn đường này dài hơn 33km nhưng chỉ có mấy km đầu đạt chất lượng, nhựa tráng phẳng lì, phần đường còn lại hầu như đều bị hư hỏng. Lý giải vấn đề này, ông Đặng Xuân Hán, Phó Giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng 515 - đơn vị thi công tuyến đường này, cho biết: “Nguyên nhân khiến tuyến đường mới làm xong đã bị hư hỏng trầm trọng có nhiều, nhưng trong đó có lỗi do thi công nôn nóng.

Tuyến đường 723 từ Nha Trang đi Đà Lạt gồm các đoạn: Nha Trang - Diên Khánh, Diên Khánh - Khánh Vĩnh, Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) nối với tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, đoạn Khánh Lê - Lâm Đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Rút ngắn khoảng cách 2 thành phố có đặc thù du lịch biển Nha Trang và thành phố hoa Đà Lạt chỉ còn 140km, thay cho đi đường cũ gần 230km.

Mặt khác, chủ đầu tư cũng muốn đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa đường vào sử dụng để giảm tải tuyến đường cũ trong mùa mưa. Bên cạnh đó, việc xe quá tải thường xuyên chạy trên đoạn đường này trong lúc đang thi công cũng khiến nhiều đoạn mới làm xong đã bị bong, tróc”.

Theo thống kê của đơn vị thi công, có trên 3.000m2 mặt đường bị hư hỏng cần phải sửa chữa, trải thảm mới. Hiện Ban quản lý các công trình trọng điểm Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án - đang buộc đơn vị thi công khẩn trương khắc phục, phấn đấu đến cuối tháng 3 phải hoàn thành dứt điểm.

Ông Đặng Văn Tài, Phó Trưởng Ban quản lý Các công trình trọng điểm Khánh Hòa, cho biết: “Hiện chưa thể quy trách nhiệm thuộc về ai. Trước mắt, phải nỗ lực khắc phục, sau đó mới có báo cáo cụ thể về trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân”.

Tuy nhiên, khi được hỏi: Con đường tuy đã làm xong, gần bàn giao mới xảy ra sự cố. Vậy trách nhiệm của đơn vị giám sát, kiểm định chất lượng công trình như thế nào?

Ông Tài cho rằng việc kiểm định công trình được tiến hành qua từng hạng mục như nền, móng, mặt đường và hiện nay đã có báo cáo hoàn thành công trình. Tuy nhiên khi hỏi báo cáo từng hạng mục, ý kiến của đơn vị kiểm định như thế nào, ông Tài lại từ chối trả lời và hẹn chờ báo cáo cuối cùng sau khi sự cố đường hỏng được khắc phục xong...

Về nguyên nhân đường hư hỏng khi các hạng mục đã gần xong, ông Tài từ chối bình luận nhưng cho rằng lỗi do thời tiết: “Năm rồi mưa nhiều, liên tục và có rủi ro trong kỹ thuật xây dựng nên chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề là khắc phục rủi ro đó như thế nào. Quan trọng là kết quả sau khi đưa vào vận hành...” - ông Tài nói.

Một tuyến đường có tầm chiến lược, lại được đầu tư số tiền rất lớn nhưng khi gần bàn giao sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng. Dù chưa biết trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị nào, nhưng thực trạng con đường cho thấy đây là một công trình không đạt chất lượng.

Các tin khác