Tiềm năng lớn, chi phí cao
"Đây là một cơ hội thị trường vô cùng to lớn" - Times of Israel ngày 17-9 dẫn lời Bruce Friedrich, lãnh đạo Tổ chức Good Food Institute (GFI), nhận định về thỏa thuận giữa Bắc Kinh và 3 công ty của Israel gồm SuperMeat, Future Meat Technologies và Meat the Future. Ông Friedrich cho rằng thỏa thuận cho thấy thịt nhân tạo đang nằm trong tầm ngắm của các quan chức Trung Quốc và có thể Bắc Kinh sẽ đầu tư thêm hàng tỷ USD.
Khả năng thịt nhân tạo được bày bán ở thị trường vẫn còn khá xa vời. Việc đầu tư 300 triệu USD của Trung Quốc vào 3 công ty thịt nhân tạo Israel cũng chưa thể biết được sẽ mang lại lợi ích tới đâu, hay chỉ đơn thuần là đầu tư mạo hiểm. |
Với dân số hơn 1,3 tỷ, Trung Quốc được xem là thị trường to lớn của ngành thực phẩm nói chung và thịt nói riêng. Theo Trung tâm Thương mại quốc tế, Bắc Kinh nhập khẩu hơn 10 tỷ USD thịt trong năm 2016. Nếu so với con số này, số tiền 300 triệu USD chẳng đáng là bao. Ngoài ra, cơ hội cho các công ty thịt nhân tạo hiện nay rất lớn, vì cả thế giới hiện chỉ có 8 công ty đang "nuôi" thịt từ các tế bào động vật trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, cái giá để đưa được thịt nhân tạo ra thị trường là không hề rẻ. Công ty khởi nghiệp Memphis Meats đã ước tính chi phí nuôi cấy thịt gà hiện nay vào khoảng 2.400USD mỗi pound (khoảng 450 gam), tức gần 54 triệu đồng chưa tới 1/2kg thịt! Trong thực tế, 1 công ty khởi nghiệp cần 150-370 triệu USD để có thể đưa sản phẩm của họ ra thị trường - con số quá lớn đối với họ.
Tại sao thị nhân tạo quá đắt như vậy? Giống như việc thương mại hóa các công nghệ y tế để ứng dụng vào nông nghiệp và thực phẩm, thách thức lớn đối với các công ty khởi nghiệp thịt nuôi cấy là mở rộng quy mô. Theo Camille Delebecque, một nhà vi sinh vật học, các thành phần đầu vào đóng vai trò chủ chốt trong việc này. Ông nói với tờ AgFunderNews: "Tôi nghĩ một trong những rào cản đối với thịt nuôi cấy ở quy mô công nghiệp là môi trường lên men được sử dụng cho nuôi cấy tế bào hiện vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm gia súc (albumine huyết thanh bò)”.
Huyết thanh bò có chi phí rất lớn. Dù cả Memphis Meats và Hampton Creek đều tuyên bố đã phát triển một chất thay thế huyết thanh dựa vào thực vật, nhưng chất này có thể đắt hơn so với huyết thanh có nguồn gốc từ động vật. Jason Kelly, người sáng lập Ginkgo Bioworks, công ty khởi nghiệp về kỹ thuật vi khuẩn di truyền cho ngành công nghiệp thực phẩm, ước tính cần 200 triệu USD để có thể nuôi cấy thịt ở quy mô công nghiệp đủ để đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Công ty Công nghệ nông nghiệp VC Cultivian Sandbox, ông Nick Rosa, đưa ra ước tính cao hơn nhiều. Theo ông, để phát triển công nghệ nuôi cấy ở quy mô công nghiệp, một công ty cần 200 triệu USD, tiếp đó họ cần 85-170 triệu USD nữa để chi cho việc đóng gói sản phẩm, tiếp thị và điều hành.

Bao giờ có sản phẩm đầu tiên?
Số tiền ước tính có thể rất lớn, nhưng cũng không có gì đáng kinh ngạc, vì nó sẽ tạo ra một công nghệ có thể làm “thay đổi cuộc chơi”. Dĩ nhiên, việc một công ty khởi nghiệp phải huy động được 100 triệu USD trước khi có sản phẩm ra thị trường là điều khó khăn, nhưng không phải hiếm. Công ty sản xuất nông nghiệp trong nhà Plenty đã gây quỹ 200 triệu USD vào tháng 8, đưa tổng số tiền họ huy động được trước khi kinh doanh lên 226 triệu USD.
Nhìn vào các lĩnh vực công nghệ khác, công ty khởi nghiệp thực tế ảo Magic Leap đã huy động được 1,89 tỷ USD kể từ khi thành lập vào năm 2011 và vẫn chưa có sản phẩm. Và công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Jet.com đã gây quỹ 225 triệu USD trước khi tung ra nền tảng của nó, vốn đã thu hút sự chú ý vào năm 2015. Công ty này đã huy động tổng cộng 570 triệu USD trong 5 đợt trước khi Walmart mua lại vào tháng 8.
Còn quá sớm để nói các trường hợp trên có thể được áp dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm nhân tạo hay không. Tuy nhiên, những chi phí ước tính này đặt câu hỏi về thời hạn một số công ty khởi nghiệp có thể đưa sản phẩm của họ ra thị trường. Thí dụ, Solazyme, một công ty nhiên liệu sinh học tảo ở Thung lũng Silicon, đã huy động được 146 triệu USD từ năm 2004-2010 để tạo ra loại ethanol bền vững nhưng có mức bán lẻ bằng giá ethanol truyền thống. Mặc dù Solazyme đã xây dựng cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Mexico, nhưng công ty không bao giờ đạt được mục tiêu giá cả cạnh tranh. Công ty chuyển sang một công ty thành phần thực phẩm chế biến từ tảo, đổi tên thành TerraVia vào tháng 3 và đệ đơn xin bảo hộ phá sản ngay sau đó. Công ty đã tự nguyện bán cho Corbion, nhà sản xuất axit, enzyme và chất nhũ hóa với giá 20 triệu USD vào ngày 3-10 vừa qua.
Vì vậy, nhà sinh học phân tử Daan Luining, người đồng sáng lập tổ chức Cultured Meat Foundation, chia sẻ: "Nghĩ đến việc Hampton Creek có thể tung ra sản phẩm trong vòng 1 năm, tôi không muốn nói bi quan, nhưng tôi không tin rằng công ty có khả năng". Lisa Feria, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Stray Dog Capitalrecently, cũng tỏ thái độ hoài nghi về thời hạn cam kết của Hampton Creek: "Tôi không quan tâm tới sự phát triển nội bộ của họ, nhưng từ 4 công ty thịt sạch khác tôi đang đầu tư sẽ khó làm được ở quy mô công nghiệp trong khung thời gian đó".