Hải quan vẫn là rào cản
Theo báo cáo PCI-FDI, hiệu quả hoạt động của các DN trong năm 2018 tiếp tục xu hướng chững lại so với năm 2017. Tỷ lệ DN tăng vốn đầu tư đạt 11,8%, giảm từ mức 13,2% của năm 2017. Có 58,2% DN cho biết tăng quy mô lao động, thấp hơn tỷ lệ 62,4% năm 2017.
Trên một nửa DN FDI (53,1%) báo lãi trong năm 2018, trong khi DN báo lỗ 36,7%, gần bằng mức năm 2017. Doanh thu và chi phí trung vị của DN trong cuộc khảo sát năm 2018 lần lượt 2,57 triệu USD và 2,2 triệu USD.
Rất ít DN tư nhân trong nước tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI, hay dưới hình thức xuất khẩu cho bên thứ 3 là các DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận Việt Nam như một công xưởng sản xuất lớn của châu Á. Theo tính toán, chỉ 21% DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% tại các nước thành viên ASEAN. Báo cáo VCCI |
Tỷ lệ DN phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính giảm từ 70% giai đoạn 2012-2016 xuống còn 66,2% năm 2017 và 42,6% năm 2018. Tình trạng nhũng nhiễu DN đã giảm đáng kể. Tỷ lệ DN cho biết phải tiếp từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên mỗi năm giảm từ 4,6% năm 2016 xuống còn 3,4% năm 2017 và chỉ còn 1,4% năm 2018.
Mặc dù vậy, DN FDI cho biết vẫn gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu. Việc thông quan hàng nhập khẩu trung bình mất 2 ngày, trong khi thời gian thông quan hàng xuất khẩu tăng từ 1 lên 2 ngày trong năm 2018. Trong những thủ tục hành chính cụ thể gây phiền hà, thủ tục hải quan vẫn là mối bận tâm lớn.
Số DN đánh giá hải quan gây phiền hà chiếm tỷ trọng cao nhất (28%), tiếp đến là bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%). Tỷ lệ này của năm 2017 tương ứng 29%, 20%, 28% và 23%.
Theo khảo sát, tình trạng DN phải trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể và rõ nét hơn trong năm 2018. Năm 2016 có 45,8% DN cho biết đã từng trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, con số này đã giảm xuống 44,9% trong năm 2017 và giảm mạnh còn 39,9% năm 2018.
Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu giảm từ 56,4% năm 2016 xuống 53% năm 2017 và còn 44,4% năm 2018. Trong thủ tục đất đai, sự cải thiện còn mạnh hơn, từ 22,6% năm 2016 còn 6,8% năm 2018. Trong năm 2017, có 2,6% DN được hỏi cho biết đã trả hơn 10% thu nhập hàng năm cho các chi phí không chính thức. Tỷ lệ này năm 2018 tương ứng 1,8% và 5-10%.
Thiếu lao động chất lượng cao
Thiếu lao động chất lượng cao
Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra thực tế đáng lưu ý là DN có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lao động phổ thông, với 77% DN đánh giá việc này là “dễ” hoặc “rất dễ”. Tuy nhiên, bức tranh không mấy tích cực khi DN tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý, với tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tuyển dụng tương ứng lần lượt 74%, 84% và 91%.
Điều cần thiết Việt Nam phải thiết lập được chính sách toàn diện, trong đó coi cơ chế giải quyết tranh chấp là một trụ cột trong những giải pháp bao gồm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hệ thống pháp luật và chất lượng điều hành trong nước. Báo cáo Doing Business |
Năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong đánh giá của DN FDI về chất lượng đào tạo nghề tại địa phương, và tình hình không có nhiều biến chuyển kể từ thời điểm đó. Trong khi đó, lao động DN FDI phải đối mặt là tình trạng sau khi được DN cất công đào tạo lại xin nghỉ việc. Tỷ lệ lao động được DN đào tạo tiếp tục làm việc trên 1 năm giảm từ 76,1% năm 2013 xuống chỉ còn 63% năm 2017 và 2018.
Cũng theo khảo sát, DN FDI sẵn sàng đầu tư vào việc nâng cao chất lượng lao động nhằm khai thác những cơ hội từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Trước năm 2018, các DN được hỏi cho biết sẵn sàng chi trung bình 7,64% chi phí hoạt động để thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động.
Tuy nhiên trong năm 2018, mức độ sẵn sàng chi trả tăng mạnh lên 12,6%. Hiện tượng gia tăng theo thời gian này phản ánh sự lạc quan của DN về nền kinh tế Việt Nam cũng như sự dịch chuyển sản xuất nói chung sang các mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn trong nước, dẫn đến nhu cầu lớn hơn về lao động có tay nghề.
Thủ tục hành chính trong hải quan chiếm tỷ lệ cao nhất gây phiền hà cho DN.
Dù DN FDI sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn và đưa ra các điều kiện phúc lợi để thu hút lao động có tay nghề nhằm đáp ứng việc sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn vào thị trường Mỹ, nhưng các DN cho biết khó tuyển được lao động có kỹ năng như kỹ sư, giám sát và quản lý. Nếu cải thiện được chất lượng lao động, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, tạo được nguồn việc làm với mức lương cao hơn cho người lao động.Lo ngại khi hội nhập sâu
Một điểm đáng lưu ý trong PCI 2018 là có phần riêng về hội nhập toàn cầu và giao kết hợp đồng quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách đang lo lắng tình trạng khả năng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa cao.
Dù nhiều chuyên gia, học giả đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị chính sách để giải bài toán hóc búa này, nhưng theo VCCI, ít ai chú ý đến vấn đề độ tin cậy của các cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao niềm tin giữa các đối tác thương mại tiềm năng, cũng như thúc đẩy giao kết hợp đồng với các thành phần kinh tế nước ngoài.
Về tầm quan trọng của việc thực thi hợp đồng, theo VCCI, nếu thiếu khả năng đảm bảo thực hiện hợp đồng, các DN phải phụ thuộc vào việc thực thi của xã hội, gia đình, bạn bè, người có uy tín để gây áp lực cho các đối tác từ chối thực hiện hợp đồng hoặc không thanh toán hợp đồng. Tình trạng này khiến DN chỉ giới hạn những khách hàng tiềm năng trong phạm vi xã hội nhỏ hẹp của mình. Chỉ khi có các cơ chế bảo đảm thực thi từ bên ngoài, các DN mới sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài phạm vi quen thuộc.
“Từ những nghiên cứu có liên quan trong lĩnh vực này, chúng tôi đưa ra lập luận rằng các thiết chế không đủ mạnh để đảm bảo thực thi hợp đồng đã hạn chế sự phát triển và đổi mới sáng tạo của DN Việt Nam” - báo cáo VCCI nhận định.
Trong hoạt động kinh doanh, tranh chấp hợp đồng, rủi ro hoàn toàn bình thường (như hàng giao trễ, bị hư hỏng, thanh toán không đúng hạn…). Tuy nhiên, ở Việt Nam để đảm bảo thực thi hợp đồng rất tốn kém và thiếu chắc chắn.
Theo báo cáo thường niên Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), giải quyết tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại tòa án ở TPHCM mất khoảng 400 ngày và tốn khoảng 29% trị giá hợp đồng. Hệ quả, DN ngại kiện tụng ra tòa án, chỉ 39% DN tư nhân và 2% DN FDI sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp.
Điều tra PCI-FDI 2018 nhận được phản hồi từ 1.577 DN FDI đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành phố, những nơi có số DN FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là điều tra về DN FDI lớn nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay. |