Với toàn bộ tác động của chiến dịch thắt chặt tiền tệ lịch sử của ECB vẫn đang được hiện thực hóa, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhắc lại rằng, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh điểm trong khi lạm phát lương thực vẫn tăng cao.
“Áp lực về giá vẫn còn mạnh… Các quyết định trong tương lai của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các mức lãi suất chính sách sẽ được đưa xuống mức đủ hạn chế để lạm phát trở lại kịp thời với mục tiêu trung hạn 2% của chúng tôi và sẽ được giữ ở mức đó trong thời gian cần thiết”, bà cho biết.
Mặc dù dữ liệu lạm phát tháng 5 mang đến sự suy giảm tháng thứ hai liên tiếp của chỉ số lạm phát cơ bản hiện đang là tâm điểm của các nhà hoạch định chính sách, nhưng hầu hết các nhà đầu tư và nhà phân tích đều dự đoán ECB sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khác vào cuộc họp ngày 15/6.
Gabriel Makhlouf, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland cho biết, ECB có thể sẽ tăng lãi suất tại cả cuộc họp tháng 6 và tháng 7 và đưa lãi suất tiền gửi lên 3,75% từ 3,25% hiện nay. Ignazio Visco, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý cho biết vào cuối tuần qua rằng: “Sẽ thúc đẩy một cách tiếp cận dần dần” đối với việc tăng lãi suất, khi đã đạt tổng cộng mức tăng 375 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022.
Phát biểu riêng vào thứ Hai (5/6), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel một lần nữa gợi ý rằng việc tăng lãi suất có thể cần phải kéo dài sau tháng 7.
“Khi mọi thứ ổn định, một số bước điều chỉnh lãi suất vẫn cần thiết. Theo quan điểm của tôi, không có gì chắc chắn rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh sớm nhất là vào mùa hè này”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tỏ ra lạc quan khi đề cập tới các ngân hàng khu vực đồng euro sau sự hỗn loạn trong ngành.
“Cho đến nay, sự ổn định tài chính trong khu vực đồng euro đã tỏ ra mạnh mẽ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đánh giá những rủi ro có thể xảy ra sau khi tính đến một loạt các chỉ số. Chúng tôi không thấy có sự đánh đổi giữa ổn định tài chính và ổn định giá cả trong khu vực đồng euro”, bà cho biết.