Châu Âu tiến thêm được một bước trong việc đối phó khủng hoảng nợ khi Quốc hội Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, thông qua dự luật mở rộng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) nhằm hỗ trợ các nước đang đứng trước nguy cơ phá sản. Liệu việc mở rộng EFSF có thực sự cứu nguy được lục địa già?
Cơ chế rắc rối
Dự luật dựa trên cơ sở một thỏa thuận được giới lãnh đạo châu Âu thông qua hồi tháng 7, theo đó tăng khả năng cho vay của EFSF từ 250 tỷ EUR hiện nay lên 440 tỷ EUR. Ngoài ra, dự luật còn cho phép EFSF mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trên thị trường thứ cấp, đồng thời cung cấp các khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Với vai trò là nền kinh tế mạnh nhất khu vực, Đức sẽ tăng mức đóng góp trong EFSF từ 123 tỷ EUR lên 211 tỷ EUR.
Theo quy định, thỏa thuận chỉ có hiệu lực khi tất cả 17 nước thành viên Eurozone thông qua, một cơ chế rắc rối và nhiều lỗ hổng, khiến việc ra các quyết sách rất khó khăn, làm cản trở khả năng ứng phó nhanh nhạy đối với chuyển biến mau lẹ của thị trường tài chính.
Quy định này còn khiến cả Liên minh châu Âu (EU) có thể trở thành “con tin” của các nước thành viên nhỏ hơn. Phần Lan đã thông qua thỏa thuận vào ngày 27-9, bất chấp những cuộc phản đối ở trong nước. Estonia và đảo Síp thông qua kế hoạch hôm 29-9.
Trong những nước chưa thông qua thỏa thuận, lo ngại chính hiện nay là Slovakia, một đất nước nghèo nàn, nơi người dân bị tổn hại nặng nề từ khi gia nhập Eurozone. Một số chính trị gia hàng đầu Slovakia đã cực lực chỉ trích thỏa thuận và liên minh cầm quyền cũng đang chia rẽ với thỏa thuận này.
Chủ tịch Quốc hội Slovakia, Richard Sulik, từng tuyên bố sẽ làm mọi điều cần thiết để ngăn cản việc thông qua thỏa thuận mở rộng EFSF.
Quá nhỏ?
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng dù 17 nước thành viên Eurozone thông qua thỏa thuận mở rộng EFSF, nó vẫn còn quá nhỏ để chống đỡ các nước nặng nợ ở khu vực. Chỉ tính các khoản tiền được hứa hẹn cho việc giải cứu các nền kinh tế như Hy Lạp đã phải giải ngân tới một nửa, chỉ còn lại khoảng 220 tỷ EUR.
Theo tốc độ mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện tại là 6 tỷ EUR/tuần, EFSF sẽ không kéo dài được lâu, nhất là khi cùng lúc phải hỗ trợ các ngân hàng châu Âu. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng cần phải mở rộng quỹ EFTS lên ít nhất 4.000 tỷ USD mới có khả năng ứng cứu các thành viên nặng nợ.
Chỉ tính nợ của Tây Ban Nha và Italia cộng lại đã lên đến 2.200 tỷ EUR, vượt xa con số 440 tỷ EUR của EFSF mà các nhà lãnh đạo châu Âu muốn vươn đến.
![]() |
Thủ tướng Đức Merkel (giữa) bỏ phiếu cho thỏa thuận mở rộng EFSF. |
Nhưng con số 440 tỷ EUR không hề nhỏ. Nó lớn hơn nợ của Hà Lan (307 tỷ EUR), nợ của Bỉ (315 tỷ EUR), Phần Lan (74 tỷ EUR). Vì vậy, dù EFSF quá nhỏ để có thể ứng cứu Italia và Tây Ban Nha, nó là một quỹ lớn hơn hầu hết doanh nghiệp hay chính phủ.
Hơn nữa, phần lớn đóng góp vào EFSF đến từ các chính phủ có hạng tín nhiệm AAA như Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Phần Lan và Luxembourg, điều đó tốt cho niềm tin của thị trường vào EFSF.
Dù vậy, một trong những khả năng được chú trọng của EFSF là quỹ này có thể mua trái phiếu với giá rẻ và cho các nước thành viên vay tiền để mua lại trái phiếu đó. Chẳng hạn, EFSF mua 20 tỷ EUR trái phiếu 15 năm lợi suất 5,3% của Hy Lạp với 60% giá danh nghĩa.
Tức EFSF sẽ chi 12 tỷ EUR để mua, rồi cho Hy Lạp vay 12 tỷ EUR để thu hồi số nợ trái phiếu đó. Như vậy Hy Lạp sẽ giảm được 8 tỷ EUR nợ so với giá thật sự. Tuy nhiên, nếu EFSF cho Hy Lạp vay số tiền trên trong vòng 15 năm với lãi suất 4%, giá trị của khoản nợ đó phải ít hơn 60%, tức khoảng 55% giá danh nghĩa.
Khi đó, EFSF vay 12 tỷ EUR nhưng chỉ có tài sản được thị trường định giá là 6,6 tỷ EUR. Như vậy, Hy Lạp sẽ lời 8 tỷ EUR nhưng EFSF lỗ tới 5,4 tỷ EUR. Điều này sẽ khiến khả năng “bao bọc” của EFSF càng nhỏ hơn so với tầm mức của nó.