Định vị chiến lược ngành ngân hàng (bài 2)

EIB - Giám sát chặt tăng trưởng tín dụng

Năm 2012 trong bối cảnh khó khăn chung, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vẫn phát triển an toàn, trở thành NH có vốn điều lệ đạt 12.355 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 170.000 tỷ đồng. Năm 2013 kế hoạch kinh doanh của NH này có gì mới? ĐTTC đã trao đổi với ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC (ảnh), Tổng giám đốc Eximbank, xoay quanh vấn đề này.

Năm 2012 trong bối cảnh khó khăn chung, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vẫn phát triển an toàn, trở thành NH có vốn điều lệ đạt 12.355 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 170.000 tỷ đồng. Năm 2013 kế hoạch kinh doanh của NH này có gì mới? ĐTTC đã trao đổi với ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC (ảnh), Tổng giám đốc Eximbank, xoay quanh vấn đề này.  

PHÓNG VIÊN: - Năm 2013 mục tiêu quan trọng nhất của các NHTM là tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động. Quan điểm của ông về vấn đề này?

EIB - Giám sát chặt tăng trưởng tín dụng ảnh 1

- Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: - Năm 2012, những khó khăn, thuận lợi và khiếm khuyết của hệ thống tiền tệ gần như đã bộc lộ hết, nổi bật nhất là nợ xấu. Có thể nợ xấu vẫn còn một phần bị che giấu, nhưng sự che giấu đó của các NHTM cũng chỉ được một thời gian ngắn.

NHNN đang điều chỉnh các chính sách, quy định để buộc các NHTM phơi bày thực trạng tài chính của mình. Khi đó, NHTM tự tái cơ cấu là điều tất nhiên.

Vấn đề là lựa chọn cách nào, hình thức nào tái cơ cấu phù hợp, nhằm phát triển bền vững. Thực tế, để minh bạch bảng cân đối tài chính của một NHTM không khó, quan trọng là có quyết tâm làm hay không.

- Vậy kế hoạch kinh doanh của Eximbank như thế nào và liệu có hoàn thành được kế hoạch này?

- Năm ngoái ĐHCĐ Eximbank thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch. Năm nay chúng tôi dự kiến lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng. Năm 2012 tăng trưởng tín dụng của Eximbank chỉ khoảng 0,34%, năm nay cố gắng tăng 16-17%.

Tuy nhiên, mức tăng này còn tùy cơ ứng biến theo thị trường. Về phát triển mạng lưới, NHNN đã có chỉ thị rất hạn chế mở rộng ở các thành thị, tập trung các vùng nông thôn. Eximbank sẽ đi theo hướng này.

Thực hiện kế hoạch 3.200 tỷ đồng lợi nhuận là việc cực kỳ khó khăn. Nhất là NHNN đã ban hành các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro… đặt hệ thống NHTM trước áp lực phải tăng trích lập dự phòng, tác động mạnh đến lợi nhuận.

Bên cạnh nợ xấu đã phát sinh, dư nợ nhóm 1 - nợ được hạch toán ở trạng thái bình thường - phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu kinh tế phục hồi chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng rất khó khăn, vì sức cầu của nền kinh tế thấp, khó cho vay ra. Trước những thách thức ấy, là người đứng đầu điều hành NH, tôi phải có trách nhiệm cao, nỗ lực kinh doanh để đạt được kế hoạch một cách an toàn và bền vững.

- Năm 2013, tín dụng Eximbank sẽ tập trung lĩnh vực nào. Theo ông có cần giảm thêm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng?

- Chúng tôi không phân biệt đối tượng khách hàng, ai có nhu cầu vay, đủ điều kiện vay và trả lãi gốc đầy đủ, an toàn, chúng tôi cho vay. Thế mạnh của Eximbank là tài trợ xuất nhập khẩu, nên năm nay chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực này.

Điều hành lãi suất là một nghệ thuật, nếu để lãi suất cho vay thấp xuống, người dân vay vốn ào ạt, coi chừng lạm phát, nhưng để lãi suất cho vay cao quá, người dân không tiếp cận được vốn, sản xuất sẽ đình đốn, kinh tế suy thoái. Vì thế cần lựa chọn mức lãi suất mà lạm phát và chi phí của doanh nghiệp có thể chấp nhận được là vấn đề quan trọng.

Lãi suất luôn theo chiều hướng của lạm phát, nếu lạm phát giảm, lãi suất sẽ đi xuống. Nhưng cung cầu cũng sẽ quyết định lãi suất. Lãi suất năm nay được kỳ vọng thấp hơn năm ngoái. Theo tôi, năm nay mức lãi suất huy động khoảng 7-9%/năm, lãi suất cho vay 10-13%/năm là mức chấp nhận được.

- Năm ngoái Eximbank có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bất động sản với lãi suất thấp và cố định lãi suất đến 2 năm. Vậy đến nay hiệu quả của gói cho vay này như thế nào?

- Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bất động sản đến nay giải ngân chưa đến 300 tỷ đồng. Dù lãi suất cho vay khá thấp, chỉ khoảng 10%/năm trong 2 năm, nhưng do dự đoán giá bất động sản còn giảm nữa nên nhiều người dân chưa mặn mà trong vay vốn mua nhà.

Việc triển khai gói tín dụng trên, chúng tôi muốn góp phần kích cầu thị trường bất động sản, tạo cơ hội cho người dân có thể tiếp cận được vốn vay để mua nhà.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất thận trọng trong xét duyệt cho vay với khách hàng, nhất là với khách hàng doanh nghiệp, chủ dự án đầu tư, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lách tìm cách vay vốn để đảo nợ, hay đầu tư không đúng mục đích… gây rủi ro cho NH.

- Eximbank giải quyết bài toán nợ xấu như thế nào trong năm 2013, thưa ông?

- Nợ xấu đang là vấn đề đau đầu cho các NHTM, đó là chất lượng nợ, khoản vay với tài sản đảm bảo có tương đồng. Tức chất lượng tài sản đảm bảo sẽ quyết định việc NH có thoát được việc trích lập dự phòng hay không.

Nếu tài sản đảm bảo tốt, đánh giá 100 đồng cho vay 40 đồng, NH có thể cho vay thêm 10 đồng để lấy 10 đồng trả lãi vẫn không bị nợ xấu, tránh được trích lập dự phòng. Đồng thời NH có thể mua tài sản thế chấp đó với giá cao hơn thị trường và mong 2-3 năm nữa giá lên, coi như không mất tiền.

Đối với Eximbank, trước đây tình hình kinh tế bình thường, chúng tôi có thể cho một hạn mức cấp tín dụng 5-10 tỷ đồng/khách hàng/đơn vị kinh doanh. Việc cho vay trước đó dù có tài sản bảo đảm nhưng có khi không lường trước những rủi ro, nên có phát sinh nợ quá hạn.

Tuy nhiên, hầu hết tài sản bảo đảm của các khoản vay đều có thể bán được nên NH cũng không mất. Nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, Eximbank hạ hạn mức xuống 1 tỷ đồng và trang bị đến 50 màn hình trực tuyến để hội đồng tín dụng tại hội sở có thể thẩm định trực tuyến.

Các chi nhánh cho vay vượt hạn mức có thể đưa hồ sơ, quay phim về tình trạng nhà máy, tài chính khách hàng… lên màn hình trực tuyến để được hội đồng xem xét cho phép giải ngân.

Chúng tôi làm cẩn trọng và quyết liệt như vậy đã 2 năm nay nên nợ quá hạn của Eximbank hiện chỉ trên 1,3%. Tuy nhiên, bản thân những người điều hành như tôi phải cực hơn và gánh nhiều áp lực hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác