(ĐTTCO) - Theo AFP, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố thông qua một thỏa thuận với Hoa Kỳ nhằm hạn chế chính phủ do thám dữ liệu internet cá nhân của các công dân EU. Thỏa thuận này sẽ đảm bảo các công dân châu Âu có quyền bình đẳng như các công dân Hoa Kỳ trong việc được bảo vệ dữ liệu cá nhân tại các tòa án Hoa Kỳ.
Trước đó, hồi tháng 2-2016. Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố nội dung thỏa thuận mang tên Privacy Shield (Lá chắn Riêng tư), giữa EU - Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc do thám trên diện rộng đối với những dữ liệu thông tin được chia sẻ giữa 2 bờ Đại Tây Dương. Đây là nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin trong hoạt động chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, thỏa thuận mới vẫn bị các nhà hoạt động và giới nghị sĩ châu Âu chỉ trích vì còn nhiều thiếu sót trong việc bảo vệ dữ liệu trước sự truy cập của chính phủ Hoa Kỳ và bảo vệ dữ liệu trước hoạt động thu thập quy mô lớn.
Thỏa thuận mới đề ra những nguyên tắc an toàn nghiêm ngặt buộc các công ty Hoa Kỳ phải tuân thủ trong xử lý dữ liệu thông tin của công dân các nước châu Âu được truyền sang Hoa Kỳ. Theo đó, các công ty công nghệ Hoa Kỳ, như Facebook và Google, nếu muốn thu thập dữ liệu cá nhân của các công dân từ châu Âu phải thi hành theo các quyết định của Cơ quan Bảo vệ quyền riêng tư (DPA) châu Âu. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa ra những biện pháp cụ thể và minh bạch cho EU, nhằm bảo đảm quyền riêng tư của công dân các nước châu Âu không bị các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan an ninh quốc gia xâm phạm khi tiếp cận cơ sở dữ liệu cá nhân được truyền từ châu Âu. Thỏa thuận mới đề ra cơ chế giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt hơn việc tuân thủ các quy tắc của Lá chắn Riêng tư. Hàng năm, EC và Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tiến hành đánh giá chung, mời các chuyên gia trong lĩnh vực tình báo quốc gia Hoa Kỳ và các cơ quan bảo vệ quyền riêng tư châu Âu đánh giá, xem xét cách tiếp cận an ninh quốc gia.
![]() |
EU- Hoa Kỳ đạt thỏa thuận hạn chế chính phủ do thám dữ liệu internet cá nhân. |
Thỏa thuận mới cũng giúp người dân EU có quyền khiếu nại khi cảm thấy dữ liệu cá nhân của họ bị sử dụng sai mục đích và các công ty công nghệ Hoa Kỳ có trách nhiệm trả lời khiếu nại. Nếu không đáp ứng, các cơ quan bảo vệ quyền riêng tư châu Âu sẽ chuyển khiếu nại tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Liên bang để yêu cầu xử lý. Điểm mới của thỏa thuận là quy định chính quyền Tổng thống Obama bổ nhiệm thanh tra viên, nhằm giám sát việc giải quyết khiếu nại của công dân châu Âu liên quan tới vấn đề quyền riêng tư, đồng thời xử phạt những công ty không tuân thủ đúng các nguyên tắc và quy định trong thỏa thuận. Bà Vera Jourova, Ủy viên Tư pháp châu Âu, cho biết: “Thỏa thuận đánh dấu việc lần đầu tiên Hoa Kỳ phải đưa ra những cam kết có tính ràng buộc với EU về việc các điều tra viên khi tiếp cận các thông tin cá nhân sẽ phải có giới hạn rõ ràng, đồng thời phải bảo vệ thông tin và chịu sự giám sát. Thỏa thuận Lá chắn Riêng tư cung cấp khung pháp lý mạnh mẽ nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân các nước châu Âu không bị xâm phạm, ngay cả khi vì mục đích an ninh quốc gia hay chống khủng bố”.
Thỏa thuận mới sẽ thay thế các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hoa Kỳ - EU, tồn tại 15 năm nhưng đã bị hủy bỏ từ tháng 10-2015, sau khi Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết thỏa thuận không đủ sức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu, được lưu trữ ở các máy chủ đặt ở Hoa Kỳ, không bị chính quyền Hoa Kỳ do thám.
Ngược lại, giới doanh nghiệp có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi Hoa Kỳ-EU hoàn tất thỏa thuận mới. Bởi Lá chắn Riêng tư sẽ là căn cứ pháp lý để các công ty công nghệ và thương mại điện tử như Amazon, Apple, Google, Facebook thực hiện chuyển dữ liệu của khách hàng từ các chi nhánh ở châu Âu về trụ sở chính tại Hoa Kỳ.