EU: đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam
Chiều ngày 29-9-2022, Bộ Công thương đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tổ chức diễn đàn thương mại Việt Nam - EU với chủ đề "Việt Nam - EU hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh hơn 2 năm kể từ khi EVFTA chính thức đi vào hiệu lực là quãng thời gian chứng kiến nhiều biến động thăng trầm của nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như của EU và Việt Nam nói riêng. Song trong hoàn cảnh đó, EVFTA đã nhanh chóng phát huy những tác dụng tích cực, không chỉ là đòn bẩy cho thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên duy trì và phát triển các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh biến động thị trường phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.
Bộ trưởng cũng nêu ra những điểm sáng trong bức tranh hợp tác giữa Việt Nam và EU. Cụ thể, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ tháng 8-2021 đến tháng 7-2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%.
Tính riêng 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa.
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu , Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như dược phẩm, hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc, sữa và sản phẩm sữa, chế phẩm thực phẩm khác..
Về đầu tư, EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
"Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm hỗ trợ mở rộng thị trường và tăng cường đối tác toàn diện với EU cũng như các nước thành viên tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong thời gian tới, không chỉ giới hạn trong thương mại mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phát triển xanh, bền vững
Tại diễn đàn lần này, công ty Lộc Trời đã chia sẻ câu chuyện xuất khẩu 1.000 tấn gạo mang thương hiệu riêng vào hai chuỗi bán lẻ lớn của Pháp. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho biết ngoài sự hỗ trợ hết sức tích cực của thương vụ Việt Nam tại Pháp thì công ty cũng đã có sự chuẩn bị từ trước đó vài năm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của người mua Châu Âu.
Theo đó, ngay từ năm 2016, tập đoàn đã chuyển đổi hoạt động trồng trọt, chế biến và đóng gói, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Theo đó, tập đoàn phải quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và quan trọng hơn là đã áp dụng thành công mô hình sản xuất, canh tác không phát thải carbon.
Phát triển xanh, bền vững đã trở thành một trong những yêu cầu quan trọng của EU mà các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức lưu ý khi muốn xuất khẩu vào thị trường này. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, để tận dụng các lợi thế từ EVFTA, mỗi địa phương cũng như doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Doanh nghiệp thay đổi nội tại bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu, đầu tư đổi mới về công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững.
Cũng nói về vấn đề này, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết phía Châu Âu khuyến khích việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.Các doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đầu tư nguồn tài chính cho các lĩnh vực thúc đẩy tính bền vững của nền kinh tế.
Chủ tịch EuroCham cũng lưu ý để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
Nói về vấn đề tăng trưởng xanh và bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững của quốc gia. Với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU.
Hiện nay để hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về EVFTA cũng như các tiêu chuẩn của EU với hàng nhập khẩu, Bộ Công thương đã và đang phối hợp tích cực với các bộ ngành, địa phương xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến thông tin cũng như xây dựng cổng thông tin chung về các hiệp định.