EVN lỗ hơn 26.235 tỷ đồng vì không được tăng giá điện?

(ĐTTCO) - Chiều 31-3, tại Hà Nội, Bộ Công thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng giá và phí (Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương), năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là 412.243 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855 tỷ đồng.

Do chi phí và giá thành tăng cao nhưng không tăng giá điện nên kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, EVN lỗ 36.294,14 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN còn có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.

Do đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022, EVN còn lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Tại cuộc họp báo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, quy định: giá điện được điều chỉnh tăng khi thông số đầu vào biến động từ 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành.

Tuy nhiên, nếu thông số đầu vào làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá. Trường hợp giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền xem xét điều chỉnh thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến.

Vừa qua, EVN đã xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã rà soát các phương án của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Các tin khác