Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế. nhưng cho đến nay bệnh viện tư nhân trong nước và bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài (fdi) mới có 137/1.063 bệnh viện trên cả nước, còn đang rất thiếu các dự án đầu tư vào lĩnh vực hóa dược.
Nhiều hạn chế
Theo dự báo của Economist Intelligence Unit, chi tiêu cho lĩnh vực y tế tại Việt Nam sẽ tăng từ 7 tỷ USD năm 2010 lên 11,3 tỷ USD năm 2015, với mức tăng trưởng trung bình 10,3%/năm. Đồng thời, Việt Nam có dân số gần 88 triệu người nên nhu cầu khám chữa bệnh rất cao, nhưng bệnh viện nhà nước không đáp ứng nổi.
Nhìn thấy tiềm năng này, năm 2011, Công ty Fortis Healthcare của Ấn Độ chi 64 triệu USD mua lại 65% cổ phần trong Tập đoàn y tế Hoàn Mỹ. Năm 2012, Công ty Progress Trading và Công ty Slovak Medical Services.Ltd thuộc Cộng hòa Czech đã công bố một số dự án sẽ triển khai trong tương lai với các sản phẩm chuyên môn cao.
Tập đoàn Parkway cũng đã đầu tư 80 triệu USD vào Bệnh viện quốc tế Thành Đô, dự kiến sẽ đưa vào vận hành đầu năm 2013 với khoảng 319 giường bệnh và sẽ lên kế hoạch xây thêm 1 bệnh viện mới.
Dù vậy, xét trên tổng thể, vốn FDI chảy vào khu vực y tế tư nhân vẫn rất yếu và chậm. Cụ thể, tính đến hết tháng 7-2012, cả nước có khoảng 78 dự án đăng ký với tổng số vốn khoảng 1,16 tỷ USD, nhưng chỉ có 10 dự án bệnh viện, 2 nhà máy sản xuất thuốc, 66 dự án còn lại chủ yếu đầu tư dưới hình thức phòng khám đa khoa và các phương tiện chữa trị chuyên biệt nên quy mô rất nhỏ. Trong khi đó, Việt Nam đang rất cần các dự án phát triển hóa dược lại chưa thu hút được vốn đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, muốn đầu tư bệnh viện tư nhân một cách bài bản, Việt Nam phải thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước mạnh hơn vào lĩnh vực y tế vì nhà đầu tư trong nước khó lòng kham nổi chi phí đầu tư đầy đủ cho hệ thống máy móc khám chữa bệnh hiện đại. Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mới mặn mà đến những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… còn ở các tỉnh lẻ hiện vẫn chưa có sức hút do thu nhập của người dân còn quá thấp trong khi chi phí khám chữa bệnh ở các bệnh viện tư lại khá cao.
Do vậy, mục tiêu ở mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước có 2-3 bệnh viện dù 5-10 năm nữa vẫn chưa thể đạt được. Trong khi đó, tại TPHCM, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, việc thu hút vốn đầu tư và quản lý đầu tư vào lĩnh vực y tế cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7-2008, đến nay Khu Y tế kỹ thuật cao Bình Tân do Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La thuộc liên doanh Công ty Dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri-La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 400 triệu USD mới khởi động được hạng mục đầu tiên là bệnh viện đa khoa, vừa hoàn thành phần móng cọc.
Nếu theo đúng tiến độ, giai đoạn 1 hạng mục bệnh viện này đã hoàn thành từ năm 2010 với quy mô 250 giường bệnh và các công trình tiện ích phụ trợ chuyên môn của một bệnh viện có công nghệ và kỹ thuật cao, hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Song, theo bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La, đến tháng 10-2012, Bệnh viện quốc tế Thành Đô, một trong bốn hạng mục của dự án mới có thể hoàn thành.
Đẩy mạnh thu hút vốn
Theo ông Trần Quốc Khoa, Trưởng Phòng Quản lý khám chữa bệnh ngoài công lập thuộc Bộ Y tế, năm 2010, khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào ngành y tế còn rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ số giường bệnh bình quân trên 10.000 dân chỉ đạt 0,7 giường.
Trong khi đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đưa ra mục tiêu năm 2010, khu vực tư nhân sẽ đầu tư 2 giường bệnh/10.000 dân và đến năm 2020, con số này được nâng lên là 5 giường/10.000 dân.
Chi phí đầu tư ban đầu vào y tế rất lớn. Ảnh: MAI HẢI |
Với kết quả thực tế quá khiêm tốn như trên, mục tiêu đề ra là quá tầm tay. Hiện nay, ngành y tế đang rất cần sự tham gia đầu tư từ khu vực các DN tư nhân mới có thể giải quyết được tình trạng quá tải do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao.
Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 1.063 bệnh viện nhưng chỉ có khoảng 137 bệnh viện tư nhân có vốn đầu tư trong nước lẫn vốn FDI.
Tuy các bệnh viện tư đang phát triển quy mô giường bệnh tăng và xây dựng dựng theo mô hình đạt tiêu chuẩn quốc tế song mức độ đầu tư vẫn còn khá thấp. Các bệnh viện này chỉ chú trọng đến đối tượng có thu nhập cao nên quy mô phát triển khá nhỏ, chỉ đạt bình quân khoảng 50 giường/bệnh viện, trong đó, nơi thấp nhất là 10 giường bệnh và nơi cao nhất cũng chỉ đạt 500 giường.
Ông Ravidran Govindan, Chủ tịch Tập đoàn Mercatus Singapore, chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính quốc tế, cho rằng trước đây, Việt Nam đã tập trung thu hút đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Nay đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến lĩnh vực y tế và giáo dục.
Hơn nữa, mức chi ngân sách cho lĩnh vực này chỉ mới chiếm khoảng 8% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên chưa thể phát triển được ngành y tế, mặc dù trình độ của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp trong khu vực.
Chi phí đầu tư ban đầu vào y tế khá lớn, một bệnh viện hiện đại có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, nhưng thu hồi vốn rất chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những chủ trương, chính sách khuyến khích FDI vào ngành y tế phù hợp với xu hướng và điều kiện riêng của ngành này.
Muốn vậy, nhà đầu tư cần được ưu đãi về thuế cao hơn khi xây dựng các dự án bệnh viện, các phòng khám, dự án phát triển dược liệu và thuốc.