Fed lên kế hoạch dự phòng khi có thêm nhiều ngân hàng phá sản

(ĐTTCO) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đang cân nhắc việc thành lập quỹ, nhằm cho phép nhà chức trách có thể hỗ trợ thêm tiền gửi đối với những ngân hàng gặp khó khăn sau vụ Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)

Theo Bloomberg, các nhà quản lý đã thảo luận về phương tiện đặc biệt mới này trong những hội nghị với các giám đốc điều hành ngân hàng và hy vọng biện pháp như trên sẽ trấn an người gửi tiền và giúp ngăn chặn bất kỳ sự hoảng loạn nào trên thị trường.

Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng của Fed khi sự hoang mang đang lan rộng về tình trạng của nhóm ngân hàng tập trung vào cộng đồng đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Thống đốc California Gavin Newsom về sự sụp đổ của SVB và những nỗ lực giải quyết tình hình.

SVB sụp đổ sau khi những người gửi tiền đã vội vã rút tiền khỏi ngân hàng này do lo ngại về tình hình tài chính của SVB. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin nội bộ của SVB, cho biết FDIC đã đề nghị các nhân viên của ngân hàng này làm việc trong 45 ngày với mức lương bằng 1,5 so với bình thường.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ được mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình chậm nhất là trong sáng hôm đó.

Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB là không có bảo hiểm tiền gửi. Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để sau này chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi.

Các tin khác