S&P 500, Nasdaq tăng 6 phiên liên tiếp
Khép phiên, chỉ số Dow tăng 428,73 điểm, tương đương 1,26%, đóng cửa ở mức 34.408,06. S&P 500 tiến 1,22%, kết phiên ở mức 4.425,84, trong khi Nasdaq Composite cộng 1,15% lên 13.782,82. Lợi suất trái phiếu giảm, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên, phù hợp với xu hướng ở Phố Wall vào năm 2023.
Đà tăng của ngày thứ Năm đã đưa S&P 500 và Nasdaq lên mức cao nhất trong phiên kể từ tháng 4/2022.
S&P 500 cũng đang ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từtháng 11/2021 và sắp đánh dấu mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 3. So với mức thấp nhất trong tháng 10năm ngoái, chỉ số này đã tăng 23%. S&P 500 cũng đã tăng 15% từ đầu năm đến nay. Trong khi Nasdaq tăng vọt hơn 31% trong năm 2023.
Liên quan đến nhóm cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu của Microsoft và Oracle tăng lần lượt là 3,2% và 3,5%. Cổ phiếu Alibaba tiến gần 3,2%.
Hồi thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ sử dụng 6 tuần còn lạicho đến khi cuộc họp tiếp theo diễn ra để “tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ”. Ông nói thêm rằng quyết định về động thái chính sách của tháng 7 vẫn chưa được đưa ra.
Đà tăng vào thứ Năm cho thấy các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đặt cược vào sự không chắc chắn sẽ diễn ra trong cuộc họp của FOMC vào tháng Bảy.
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất hơn nữa trong năm nay và cho biết Fed sẽ vẫn đánh giá tình hình dựa trên cơ sở dữ liệu từng tháng. Theo đó, chứng khoán Mỹ đã trồi sụt trong suốt suốt phiên giao dịch sau các bình luận của Powell vào thứTư.
Dữ liệu kinh tế bổ sung được công bố vào sáng thứ Năm đã giúp các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về tình hình của thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cao hơn một chút ở mức 262.000 so với ước tính của Dow Jones là 245.000, trong khi doanh số bán lẻ tăng 0,3%.
Dầu tăng nhờ dữ liệu nhà máy lọc dầu mạnh mẽ của Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 2,47 USD, tương đương 3,4%, lên mức 75,67 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tiến 2,35 USD, tương đương 3,4%, lên mức 70,62 USD.
Đó là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent và WTI kể từngày 8/6.
Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ từ các báo cáo của Hoa Kỳ cho thấy doanh số bán lẻ bất ngờ khởi sắc trong tháng 5 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự kiến vào tuần trước đã khiến đồng đô la giảm xuống mức đáy trong 5 tuần so với rổ các loại tiền tệ khác.
Đồng đô la yếu hơn khiến dầu thô rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Dữ liệu vào thứ Năm cũng cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã tăng 15,4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tổng cao thứ 2 được ghi nhận.
Giám đốc điều hành của Kuwait Petroleum Corp cho biết, nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm như dự kiến vào thứ Năm, báo hiệu việc thắt chặt chính sách hơn nữa, để chống lại lạm phát leo thang.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn rất bất ổn.”
Hôm thứ Tư, Fed đã giữ nguyên lãi suất nhưng báo hiệu mức tăng ít nhất một nửa điểm phần trăm vào cuối năm. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, các nhà phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện vào tháng 5 bởi OPEC+ và bởi Ả Rập Saudi vào tháng 7, sẽ hỗ trợ giá tại thời điểm nhu cầu tăng mạnh.