Fitch Ratings: Các ngân hàng châu Á có khả năng chống chọi trước những thất bại của ngân hàng Mỹ

Hôm thứ Năm (16/3), Fitch Ratings cho biết, các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng chống chọi với rủi ro trước những thất bại trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ.
Fitch Ratings: Các ngân hàng châu Á có khả năng chống chọi trước những thất bại của ngân hàng Mỹ

“Những rủi ro trực tiếp giữa các ngân hàng được Fitch Ratings xếp hạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với SVB và Signature mà chúng tôi biết là không quan trọng đối với hồ sơ tín dụng”, Fitch Ratings cho biết.

“Những điểm yếu góp phần vào sự thất bại của hai ngân hàng nằm trong số những yếu tố đã được xem xét trong đánh giá xếp hạng của chúng tôi đối với các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương, nhưng những điểm yếu này thường được bù đắp bởi các yếu tố cấu trúc”, Fitch Ratings cho biết, đồng thời nói thêm rằng, mức độ rủi ro có xu hướng lớn nhất là ở Ấn Độ và Nhật Bản.

Đánh giá của Fitch Ratings về các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương được đưa ra khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết rằng, không phải tất cả các khoản tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được bảo vệ trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ trong tương lai.

Mặc dù Fitch Ratings nhận thấy rủi ro biến động đáng kể trong tiền gửi của các ngân hàng kỹ thuật số trong khu vực, nhưng cơ quan này lưu ý rằng, các chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ can thiệp để hỗ trợ các ngân hàng của họ khi cần thiết, và đây là một khả năng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro hơn nữa.

“Chúng tôi tin rằng, rủi ro từ tổn thất định giá sẽ được bù đắp bởi khả năng chính quyền sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần”, Fitch Ratings cho biết.

Các quan chức trong khu vực đã “nhấn mạnh quản lý rủi ro lãi suất mạnh mẽ”. Cụ thể, Úc đã áp dụng yêu cầu tối thiểu đối với rủi ro lãi suất phi thương mại, và các ngân hàng Nhật Bản đã giảm đầu tư chứng khoán.

“Cuối cùng, mức độ tín nhiệm của nhiều ngân hàng được Fitch Ratings xếp hạng ở châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng lớn bởi triển vọng nhận được hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ. Chúng tôi thường xem rủi ro định giá danh mục đầu tư chứng khoán là có thể quản lý được đối với các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương”, báo cáo cho biết.

Các bước tiếp theo của Fed

Fitch Ratings cho biết, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện những thay đổi sớm hơn dự kiến đối với chính sách tiền tệ của mình, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất cơ bản thay vì tăng lãi suất như dự kiến, các ngân hàng trong khu vực vẫn sẽ không thấy nhiều tác động.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng, chưa nhìn thấy những diễn biến mới nhất dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

“Nếu lãi suất cao nhất của Mỹ thấp hơn hoặc Mỹ cắt giảm lãi suất sớm hơn chúng tôi mong đợi, điều này có thể khiến chính sách tiền tệ ở một số thị trường châu Á - Thái Bình Dương lỏng lẻo hơn so với mức cơ sở của chúng tôi”, Fitch Ratings cho biết.

“Nói chung, chúng tôi tin rằng điều này sẽ là ảnh hưởng xấu đối với các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương vì ảnh hưởng đối với thu nhập lãi ròng sẽ lớn hơn ảnh hưởng đối với định giá chứng khoán, nhưng nó sẽ hỗ trợ chất lượng tài sản và chúng tôi không mong đợi những tác động có ý nghĩa đối với xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng”, cơ quan này cho biết.

Các tin khác