Sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 400 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản tại Nhật Bản và châu Á.
Tầm quan trọng dòng vốn Nhật
Theo ông Lê Thành Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản có tầm quan trọng với Việt Nam. Năm 2016, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác lớn thứ 3 về du lịch của Việt Nam. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sự tương đồng về văn hóa và lòng mến khách đã hình thành mối liên kết tự nhiên giữa người dân hai nước, đưa Việt Nam và Nhật Bản trở thành điểm đến du lịch yêu thích của nhau.
Sự kiện thu hút gần 400 khách mời.
Chia sẻ quan sát của mình về FLC khi tham dự sự kiện, ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết mỗi lần có dịp về nước, ông đều cảm thấy rất ngạc nhiên với sự phát triển ngày một bài bản của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn FLC. “Mỗi năm Tập đoàn FLC tung ra tới vài sản phẩm quy mô lớn, đa dạng như resort, khách sạn, sân golf… làm thay đổi diện mạo của tỉnh thành nhận dự án” - ông Cường nói.
Dưới góc độ của một cố vấn quan hệ đối tác Việt - Nhật, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori cho hay, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài, thường quan sát tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của nước chủ nhà, sự tương đồng giữa văn hóa, thiện cảm của nước bạn và nước Nhật Bản.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại sự kiện.
“ASEAN hiện đang tiến tới giai đoạn vàng của quá trình hội nhập kinh tế. Doanh nghiệp Nhật Bản cần coi ASEAN là một thị trường chiến lược. Nhìn từ sự gần gũi trong ngoại giao, khoảng cách địa lý, cơ cấu lực lượng lao động, Việt Nam đang đối tác đầu tư và kinh doanh tốt nhất tại ASEAN dành cho nhà đầu tư Nhật Bản” - ông Norio Hattori khẳng định.
Ông Norio Hattori, cũng cho biết, ông coi Tập đoàn FLC nói chung và Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết nói riêng như hai người bạn, và hy vọng Tập đoàn FLC sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.
Có thể xem xét chuyển nhượng cả dự án
Trước câu hỏi của nhà đầu tư về khả năng mua bất động sản thương hiệu FLC của người Nhật, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, khẳng định tập đoàn FLC đã tính toán để không chỉ bán các sản phẩm riêng lẻ như: condotel hay villa nghỉ dưỡng, mà nếu khách hàng Nhật Bản là nhà đầu tư lớn có nhu cầu, tập đoàn cũng có thể xem xét chuyển nhượng cả dự án.
Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori.
Trong quá trình sang nhượng sản phẩm, thắc mắc với khâu chuyển lợi nhuận về Nhật Bản cũng được đặt ra. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, khẳng định sự thuận lợi của thủ tục này: “Chỉ cần nhà đầu tư Nhật Bản có visa hợp lệ, thậm chí không cần bay sang Việt Nam, vẫn có thể mua bất động sản tại Việt Nam”. Nếu nhà đầu tư mở tài khoản tại một số ngân hàng nhất định, có thể sẽ cần cung cấp một số thông tin về nguồn gốc lợi nhuận. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của CBRE, rất nhiều khách hàng của công ty này đã thành công trong việc chuyển lợi nhuận về nước với sự giúp đỡ của các ngân hàng.
Nhiều câu hỏi về thủ tục đầu tư tại Việt Nam đã được các nhà đầu tư chuyển đến cho Tập đoàn FLC và các diễn giả khách mời.
Đây là roadshow tiếp theo sau hội thảo mà Tập đoàn FLC tổ chức vào tháng 6 tại Singapore. Sự kiện tại Nhật Bản được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá có quy mô lớn, cung cấp kịp thời thông tin cho nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đang ngày càng quan tâm tới Việt Nam. Đây cũng được xem là tiền đề cho chuỗi sự kiện tiếp nối sẽ được Tập đoàn FLC triển khai vào quý III và đầu năm 2018, với các điểm đến tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc... Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Nhật Bản, đại diện Tập đoàn FLC đã có nhiều buổi tiếp xúc cấp lãnh đạo với các doanh nghiệp Nhật Bản để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hàng không... như Mitsubishi Estate, MC Aviation Partners, Sekkei, Mitsubishi Aircraft Corporation, MC Aviation Partners, Deloitte…