
1. Đường Cộng Hòa, Trường Chinh, vào những giờ cao điểm trong ngày thường xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Bởi hầu hết người và phương tiện từ trung tâm TPHCM đi hướng Tây Bắc đến các quận, huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp, Bình Tân, quận 12… và ngược lại đều qua hai trục đường này.
Thậm chí đường Cộng Hòa, Trường Chinh còn “gánh” một lượng phương tiện đáng kể từ Campuchia sang cũng như một số tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Dương. Chính vì thế, TP khởi công xây dựng một số tuyến đường để kết nối vào nhà ga T3 góp phần giải tỏa kẹt xe trên 2 trục đường này.
Để giao thông kết nối với nhà ga T3, TP đã đầu tư xây dựng con đường 6 làn xe, mở rộng đường Phan Thúc Duyện đến điểm cuối đường C12 để đấu nối ra đường Cộng Hòa, với chiều dài hơn 4km; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường E18 và một đoạn đường Cộng Hòa…
Như vậy vào những giờ tan tầm, từ trung tâm TPHCM đi về hướng Tây Bắc người dân có thể “bon bon” trên trục đường mới Phan Thúc Duyện - C12 để ra Cộng Hòa, mà hoàn toàn không còn cảnh kẹt xe; chiều ngược lại cũng giảm tải một cách đáng kể… Anh Bình, một cư dân ở quận 12, chia sẻ, một đoạn đường chỉ 4km trước đây di chuyển mất 20 phút, thì nay chỉ còn 4 phút.

2. Phát biểu tại lễ khánh thành nhà ga T3 hôm 19-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc đưa nhà ga T3 vào khai thác không chỉ giải tỏa điểm nghẽn quá tải kéo dài của sân bay Tân Sơn Nhất, mà nhà ga T3 còn được kỳ vọng trở thành biểu tượng cho khát vọng cất cánh, khẳng định vai trò trung tâm hàng không của Việt Nam trong khu vực.
Nhà ga T3 hoàn thành vượt tiến độ là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng chung sức, từ người dân sẵn sàng nhường đất và di dời nhà cửa, cho đến sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà thầu. Đây sẽ là động lực cho nhà ga quốc tế Long Thành, từ đó đưa sân bay Long Thành cơ bản hoàn thành vào năm 2025 với tinh thần cao nhất.
Nhà ga T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500m2. Công trình gồm 4 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay.
Khi kết hợp cùng 2 nhà ga hiện hữu T1 và T2, tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đạt khoảng 50 triệu lượt khách/năm, đủ sức phục vụ nhu cầu vận tải hàng không đến năm 2030. Đây là lời giải căn cơ cho bài toán quá tải triền miên tại sân bay Tân Sơn Nhất, vốn chỉ được thiết kế cho 28 triệu lượt khách/năm nhưng thường xuyên đón trên 40 triệu hành khách.
Cảm nhận của chúng tôi khi có mặt tại nhà ga T3 đó là sự hiện đại, văn minh và thân thiện của các nhân viên làm việc tại đây, với công nghệ hàng không hiện đại lần đầu được áp dụng. Hệ thống ACV Self Services sẽ hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục trên kiosk check-in dùng chung và tự làm thủ tục ký gửi hành lý, sau đó có thể ra tàu bay tự động thông qua thiết bị E-gate.
Đây là mô hình Smart Airport, ứng dụng công nghệ sinh trắc học (biometric) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho dây chuyền làm thủ tục hàng không, giúp hành khách tiết kiệm thời gian. Hành khách đi máy bay có thể sử dụng căn cước/căn cước công dân (CC/CCCD) gắn chip hoặc định danh điện tử VNeID để làm thủ tục hàng không tự động.
Việc ứng dụng sinh trắc học toàn trình là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không Việt Nam, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm hàng không thông minh hàng đầu khu vực.
Hệ thống ACV Self Services gồm 90 quầy làm thủ tục, 20 quầy ký gửi hành lý tự động và 42 kiosk check-in, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào quầy truyền thống, đồng thời nâng cao minh bạch và hiệu suất phục vụ.
Theo tính toán của các chuyên gia, với hơn 109 triệu lượt hành khách qua các sân bay Việt Nam mỗi năm, việc tối ưu hóa thời gian xử lý thủ tục sẽ giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động, giảm chi phí vận hành và tăng năng suất logistics, mang lại giá trị kinh tế hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhà ga T3 được xem là đòn bẩy cho chuỗi giá trị kinh tế - xã hội rộng lớn tại TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ - khu vực đóng góp hơn 30% GDP quốc gia.
3. Theo nhiều chuyên gia, việc đưa vào sử dụng nhà ga T3 không chỉ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, mà còn mở ra một không gian phát triển mới về đô thị, hạ tầng giao thông. Hiện nay TPHCM đang đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Tây Bắc như Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Mộc Bài - TPHCM, mở rộng Quốc lộ 22, dự án hạ tầng Tham Lương - Bến Cát, và đặc biệt là tuyến metro số 2 dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12-2025… Tất cả sẽ tạo nên trục giao thông mới, hiện đại và đồng bộ ở phía Bắc.
Một chuyên gia hàng không đánh giá, khi có nhà ga T3 sẽ không xảy ra cạnh tranh mà hỗ trợ cho Long Thành. 2 sân bay này sẽ phối hợp, tạo thành hệ thống cảng hàng không 2 trung tâm (dual-airport system) của vùng Đông Nam bộ, tương tự mô hình Incheon - Gimpo (Seoul) hoặc Narita - Haneda (Tokyo).
Điều này giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực về vận tải hàng không và logistics quốc tế.