Thông báo này không chỉ giải tỏa lo lắng cho các doanh nghiệp (DN) game online Việt Nam mà còn tạo cơ hội để ngành game phát triển, hướng đến mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp này tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.
Doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh gay gắt
Số liệu của Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho thấy, chỉ có 15% trong 200 DN game đã đăng ký còn hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, mỗi năm, game không phép xuyên biên giới đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng, chiếm 30% tỷ trọng của thị trường phát hành game tại Việt Nam.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy, DN trong nước gặp nhiều khó khăn và tốc độ phát triển còn hạn chế. Suốt nhiều năm, DN game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, dần mất đi sức cạnh tranh trên chính sân nhà”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, cho biết.
Trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng internet lớn và đang tăng nhanh.
Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á giai đoạn 2020-2025 trung bình là 8,2%/năm, ở Việt Nam là gần 9%/năm nên rất được các DN game nước ngoài quan tâm. Nhiều quốc gia phát triển xem ngành game như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số. Hoạt động của ngành game cũng ảnh hưởng đến doanh thu của các sản phẩm bổ trợ khác như nhân lực ngành công nghệ thông tin, sáng tạo nội dung, thiết kế, quảng cáo, thiết bị phần cứng (PC, mobile, chip xử lý), mạng viễn thông…
Lãnh đạo một DN sản xuất game cho rằng, việc sản xuất hay phát hành game của các DN Việt Nam ở thị trường trong nước không mấy khó khăn nhưng vấn đề nằm ở việc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với DN nước ngoài bởi họ không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ khoảng 15% số DN game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động, 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các chính sách về thủ tục, hạ tầng, thuế suất…
Hạn chế game xuyên biên giới
Để thúc đẩy ngành game trong nước phát triển, ngày 24-7 mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật liên quan. Theo thông báo này, trước mắt, chưa đưa kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo ông Thái Thanh Liêm, Giám đốc điều hành Studio game Topebox, đây là điều mà các DN game trong nước mong chờ.
“Nếu áp thuế TTĐB với game sẽ khiến các DN trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập DN ở nước ngoài như Singapore, rồi cung cấp dịch vụ game online xuyên biên giới vào Việt Nam để tránh thuế cao. Mặt khác, việc áp dụng thuế TTĐB sẽ không khuyến khích được DN game trong nước tăng cường đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề có tiềm năng lớn”, ông Thái Thanh Liêm chia sẻ.
Song song đó, theo các chuyên gia, để ngành game trong nước phát triển, việc ngăn chặn game không phép xuyên biên giới phải quyết liệt hơn. Tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh thanh toán đối với game do Bộ TT-TT chủ trì mới đây, các đại biểu cho rằng, game không phép xuyên biên giới chiếm lĩnh thị trường trong nước là do việc thanh toán cho game hiện nay dễ dàng bằng nhiều hình thức, các trung gian thanh toán không chủ động kiểm tra, thậm chí không kiểm tra được dẫn tới việc nạp tiền cho game không phép, cờ bạc…
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để có những biện pháp ngăn chặn game không phép. Cụ thể, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị mình hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước.