Các đơn vị này chủ yếu tập trung cung ứng nông, thủy hải sản, thịt heo, gia súc gia cầm các loại. Đây là yếu tố hết sức cần thiết khi thành phố đang siết chặt giãn cách xã hội, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 trong tuần tới.
Nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa
Theo đó, đi kèm với danh sách tên tổ chức, đơn vị, DN, HTX, thành phố còn chi tiết thông tin liên lạc, khả năng cung ứng. Đơn cử, HTX Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) chuyên cung cấp các loại rau, củ, bầu, bí, dưa leo. Đơn vị này cung cấp nhiều nhất với 15-20 tấn/ngày và hàng ngày có 2 xe tải giao hàng lên TPHCM. Người dân, tổ chức có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp điện thoại: 0916049377, 0901230772 để kết nối.
Tương tự, với mặt hàng trái cây, lương thực, gạo, thủy hải sản… người dân cũng có thể kết nối trực tiếp với DN, HTX, đơn vị, cá nhân cung ứng với thông tin chi tiết về sản lượng, điện thoại liên hệ và cách thức giao nhận hàng.
Cụ thể, người dân có nhu cầu gạo, Công ty TNHH Phương Minh, số 31 ấp Hạ, xã Tân Quới, (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cho biết, sẵn sàng cung cấp gạo các loại, sản lượng 100 tấn/tháng, chỉ cần liên hệ số điện thoại 0971.247.347. Hay như với thủy hải sản, anh Nông Văn Thạch, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) sẵn sàng cung cấp khoảng 400 tấn tôm càng xanh với giá bán tại ao là 100.000 đồng/kg. Người mua có thể trực tiếp liên lạc thông qua đầu số 0942386098...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ NN-PTNT cho biết thêm, sản lượng rau màu toàn miền Nam dự kiến từ nay đến cuối năm là 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng. 19 tỉnh thành mỗi tháng cung cấp bình quân cho thị trường 560.000-600.000 tấn rau. Riêng tại Đồng Nai, mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con heo và 100.000 con gà thịt. Trong đó, tiêu thụ nội tỉnh 15% tổng lượng thịt heo và 5% tổng lượng thịt gà, còn lại cung ứng thị trường TPHCM và các tỉnh.
Bên cạnh đó, tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành Nam bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn. Ước 6 tháng cuối năm, sản lượng thủy sản của các tỉnh Nam bộ đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng toàn vùng sản xuất được khoảng 483.000 tấn.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, với lượng nông, thủy hải sản, gia súc gia cầm như trên, thì không những đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có thể xuất khẩu.
Lo cung đang vượt cầu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại các tỉnh thành diễn biến phức tạp, không những các đơn vị đã gia tăng nguồn cung cho thị trường mà nhiều tổ chức, cá nhân còn đưa ra giải pháp, cách làm linh hoạt nhằm đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết, khác với thông lệ trước đây công ty chỉ cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, hiện tại công ty đã phát triển thêm kênh bán hàng trực tiếp.
Theo đó, người dân có nhu cầu, chỉ cần kết nối số 0902552138, hoặc qua Facebook.com/aptfoods để đặt hàng trực tiếp. Với đơn hàng 800.000 đồng trở lên, khách được miễn phí giao hàng khu vực nội thành. Cùng hình thức này, Công ty TNHH SX-TM-DV-ĐT Song Mộc cũng phát triển mô hình “Siêu chợ 3A” trên Facebook. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, gồm thịt heo, bò nhập khẩu, thủy hải sản và rau củ quả các loại. Khách có nhu cầu chỉ cần liên hệ sẽ được hỗ trợ giao hàng trong 24 giờ.
Có thể nói, việc gia tăng áp lực lên hệ thống phân phối hiện đại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã giúp hình thành các mô hình đi chợ và bán hàng online. Thực tế này giúp người dân an tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại diện nhiều hệ thống phân phối, các DN cho biết, vấn đề khiến các đơn vị lo ngại là sức mua giảm. Ghi nhận thực tế tại nhiều hệ thống siêu thị cho thấy, hàng nông sản, thực phẩm, trứng… chất đầy kệ.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, khoảng 5 ngày trở lại đây, sức mua toàn hệ thống siêu thị giảm nhẹ. Người dân bình tĩnh hơn khi mua hàng. Về phía đơn vị vẫn đang triển khai đồng bộ nhiều kênh bán hàng trực tiếp, online và di động tại khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua hàng. Song song đó, đơn vị bắt tay cùng DN sản xuất lương thực thực phẩm duy trì giá bán ổn định, không tăng giá hàng hóa dù chi phí sản xuất, vận chuyển, kiểm dịch đang khiến nhiều DN khó khăn.
Bộ NN-PTNT cho biết thêm, trong tổng số 388 đầu mối đăng ký qua Tổ điều phối cung cấp hàng hóa thiết yếu của bộ, lượng hàng hóa có thể cung cấp dồi dào và đang có dấu hiệu thừa hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và khóm (dứa), dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhóm trái cây có lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung trên 700 tấn/ngày. Nhãn và chuối có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và DN thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn. Thủy sản ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn.
Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở các tỉnh miền Đông. Dự báo những ngày tới, mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn… sẽ cung vượt cầu.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận, hiện việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương. Có nơi thương lái rất khó khăn trong việc đi lại để thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm, vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn gặp khó do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch cần tiếp tục tháo gỡ.
Trước thực tế đó, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT đang hỗ trợ xử lý một số tình huống liên quan đến xe chở hàng khó khăn khi qua chốt kiểm dịch, giúp hàng hóa lưu thông ổn định. Mặt khác, hỗ trợ các tổ hợp tác và HTX hoàn thành các chứng nhận pháp lý để giao dịch với DN; thành lập các nhóm hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản để kịp giao cho DN.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu