(ĐTTCO) - Với việc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), xuất khẩu dệt may Việt Nam được dự báo có thể chạm ngưỡng 40 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, niềm vui đi kèm với nỗi lo khi ngành sẽ phải đối mặt với những điều kiện ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa do TPP đặt ra. Doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ xoay xở ra sao và liệu Việt Nam có trở thành sân chơi của các doanh nghiệp FDI, ĐTTC đã trao đổi với ông VŨ ĐỨC GIANG (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2007, dệt may được cho là có rất nhiều cơ hội về thị trường, đầu tư. Tuy nhiên có thể thấy, cho đến nay giá trị gia tăng hàng dệt may của Việt Nam vẫn còn thấp. Vậy ngành dệt may rút ra được kinh nghiệm nào từ vấn đề này khi TPP chính thức có hiệu lực?
Ông VŨ ĐỨC GIANG: - Việt Nam gia nhập WTO chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi dòng thuế từ những nước nhập khẩu vào Việt Nam, cũng như Việt Nam nhập khẩu vào các nước nên chưa tạo ra sức hút có tính toàn diện như TPP. Đây cũng là nguyên nhân hạn chế các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất. Trong bài học kinh nghiệm từ WTO, vấn đề xây dựng chiến lược thị trường ngành dệt may cũng đã nhận thức rõ: Nếu không xây dựng được chiến lược dài hạn sẽ khó thành công trong thị trường hội nhập sâu rộng như hiện nay. Ngay cả khi với nhiều lợi ích TPP mang lại, nếu mỗi doanh nghiệp không có tầm nhìn chiến lược dài hạn cho sự phát triển của mình, chỉ nhìn ngắn hạn, không nghĩ đến cộng đồng doanh nghiệp và một chiến lược phát triển có tính xuyên suốt, gắn với chuỗi liên kết với nhau, ngành dệt may Việt Nam sẽ rất khó thành công.
Ngành dệt may Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đến năm 2050 phải xuất khẩu trên nhãn hiệu của Việt Nam khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu ngành dệt may không làm quyết liệt vấn đề này, doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ làm thuê cho các nhãn hiệu của các nước. Vì vậy các doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu của riêng mình và bán sản phẩm từ thiết kế của mình mới không bị thua trên sân nhà.
- Một trong những quy tắc để được hưởng thuế suất từ 17% về 0% là xuất xứ nguyên phụ liệu phải từ Việt Nam hoặc là một trong các nước TPP. Ông có thể đánh giá về năng lực đáp ứng của doanh nghiệp về nguyên tắc xuất xứ hàng hóa TPP đặt ra?
Muốn tăng giá trị gia tăng, các doanh nghiệp dệt may cần tập trung phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, thay đổi phương thức sản xuất. Đây chính là giải pháp nâng chất sản phẩm dệt may xuất khẩu và tăng cường sự gắn kết, phối hợp với nhau để tranh thủ được lợi thế của từng doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động và có hiệu quả hơn. |
- Bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và VITAS đang tập trung cho chiến lược phát triển các khu công nghiệp lớn để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất. Các doanh nghiệp dệt và nhuộm hiện nay cũng đang tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất, đặc biệt là vai trò của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thành viên lớn nhất của VITAS cũng đang tập trung đầu tư nhiều dự án lớn về sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Song song đó, hiệp hội cũng đang kêu gọi đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore... kể cả những nước như Nga, Hoa Kỳ cũng đang có những dự án đầu tư vào dệt may Việt Nam.
- Nhiều ý kiến cho rằng cơ hội để doanh nghiệp tồn tại và phát triển khi TPP có hiệu lực là liên kết chuỗi sản xuất khép kín, từ đầu vào nguyên liệu cho đến các sản phẩm hoàn chỉnh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong chiến lược phát triển thị trường của mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng được chuỗi liên kết. Dệt may Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ với những chuỗi liên kết về thị trường sản xuất sợi. Chính vì vậy, hiện nay các nhà sản xuất sợi, bông ở nước ngoài cũng rất cần vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi liên kết này. Và, chỉ khi thực hiện được điều này, lợi ích TPP mang lại mới có hiệu quả.
Bên cạnh đó, để thu hút được đầu tư nước ngoài cần 5 yếu tố để chiến lược phát triển dài hạn dệt may mang lại hiệu quả. Theo đó, định hướng của Nhà nước và Chính phủ trong Chiến lược phát triển dệt may, quy hoạch của ngành dệt may, đòi hỏi sự tuân thủ của các bộ, ngành, các cơ quan cấp giấy phép, cơ quan quản lý địa phương cấp phép cho đầu tư. Bởi lẽ, nếu không ngăn chặn tình trạng mạnh địa phương nào, địa phương đó đầu tư sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Các địa phương cần tham vấn các cơ quan liên quan để biết cần đầu tư cái gì, đầu tư ở mức độ bao nhiêu nhằm đảm bảo tính ổn định, tính chiến lược. Hơn nữa, các văn bản pháp quy của Chính phủ, của Nhà nước phải có tính ổn định, không nên thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp không thể xoay xở kịp thời.
Mặt khác, những bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phải tạo ra động lực và điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Thu hút đầu tư không chỉ ở trong nước mà cả thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cần sự minh bạch, rõ ràng, chắc chắn, xuyên suốt và tạo ra động lực bảo vệ họ.
- Trân trọng cảm ơn ông.