Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi DN phải liên tục cải tiến đổi mới để có sản phẩm mới hoặc có sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn. Để làm được điều này cần có mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.
Ở nước ta hiện chưa kết nối tốt 4 nhà. Trong khi đó, CMCN 4.0 là cách mạng công nghiệp đa ngành, nên đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các DN với cơ quan nghiên cứu khoa học.
DN muốn nhà trường cởi mở hơn
DN muốn nhà trường cởi mở hơn
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty cơ khí khuôn mẫu Lập Phúc, khẳng định trong ngành cơ khí khuôn mẫu kiến thức ở DN mạnh hơn trong các trường - viện. Nguyên nhân một phần do máy móc ngành cơ khí khuôn mẫu rất đắt tiền nên các trường không thể cập nhật máy móc cho các em học.
Chính vì lẽ đó để nâng cao tay nghề cho các em sinh viên, Lập Phúc rất cởi mở, không giấu nghề, cho sinh viên của 12 trường đại học, cao đẳng, trường nghề tại TP đến thực tập thường xuyên. Từ thời gian thực tập như vậy, tay nghề của sinh viên cũng được cải thiện rất nhiều.
“Nhưng cái chúng tôi chưa làm được là chưa mời được các thầy giáo của các trường đến DN mình để tìm hiểu thêm về máy móc, công nghệ thực tế đang biến đổi hàng năm như thế nào. Không biết có phải do các thầy tự ái không” - ông Trí băn khoăn.
Thời gian qua, các DN đã chủ động đổi mới sáng tạo để hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, song tốc độ chuyển đổi còn chậm, hiệu quả chưa mong muốn, năng suất lao động còn thấp. Có DN chưa coi trọng đúng mức việc đổi mới công nghệ, chưa coi đây là chìa khóa phát triển lâu dài. Đặc biệt, mối liên kết giữa DN, nhà khoa học, các viện trường còn hạn chế, chưa phát huy được ngang tầm của một TP trung tâm khoa học công nghệ của khu vực. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân |
Cũng băn khoăn khi làm việc với các trường đại học, ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH máy và sản phẩm Thép Việt, cũng nêu ra thực tế của DN mình hiện nay trong việc hợp tác với các trường - viện, dù DN rất cần nhưng cũng chưa có kết nối, chưa có điều kiện gặp gỡ.
Theo ông Sơn, giữa DN và nhà trường vẫn còn khoảng cách, như tại buổi tọa đàm này DN có mời Khoa Xây dựng Đại học Bách Khoa cùng đến, nhưng khoa lại báo bận. Trong khi đó khi DN mời tập đoàn nước ngoài tới làm việc họ sẵn sàng đến ngay. Bởi cái họ nhắm đến là thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Do vậy ông Sơn kiến nghị, trong hợp tác hoặc dự án chuyển giao công nghệ giữa các trường viện với DN, nên ký theo nguyên tắc thị trường.
Thực tế trong công tác nghiên cứu phát triển, ngoài vấn đề liên kết giữa DN và viện - trường, vai trò của các cơ quan nhà nước cũng không kém phần quan trọng. Là một DN xuất khẩu nhiều năm nay, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn có những sản phẩm đơn hàng về Việt Nam rất nhiều, chúng ta tưởng rằng nước ngoài họ đặt niềm tin vào DN Việt, nhưng không phải.
Có đi mới biết, những sản phẩm ấy nước ngoài họ không còn làm nữa và trong quá trình chuyển đổi họ dồn đơn hàng qua Việt Nam. Rõ ràng chúng ta đang rất chậm chân trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
“Để làm tốt khâu nghiên cứu và phát triển rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tại các quốc gia như Đài Loan, Trung Quốc đều như vậy” - ông Việt Anh cho biết.
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Lập Phúc.
TP sẽ kết nối hai bên ngồi lại
Lắng nghe những băn khoăn và mong muốn của các DN trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển giữa DN và viện - trường, TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật cho rằng, cả hai bên cùng có lỗi trong việc này. Về phía trường đại học các thầy bị áp lực công việc giảng dạy quá nhiều nên có rất ít thời gian nghiên cứu. Khi TS. Dũng dẫn các giảng viên của mình đến DN mới thấy ở nhiều mảng kiến thức, trình độ công nghệ của các thầy trong trường còn thua DN, bởi lâu nay chỉ gò bó trong khuôn viên trường.
Lắng nghe những băn khoăn và mong muốn của các DN trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển giữa DN và viện - trường, TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật cho rằng, cả hai bên cùng có lỗi trong việc này. Về phía trường đại học các thầy bị áp lực công việc giảng dạy quá nhiều nên có rất ít thời gian nghiên cứu. Khi TS. Dũng dẫn các giảng viên của mình đến DN mới thấy ở nhiều mảng kiến thức, trình độ công nghệ của các thầy trong trường còn thua DN, bởi lâu nay chỉ gò bó trong khuôn viên trường.
“Hiện nay trường tôi có khoảng 800 nhân sự, nhưng số làm được công nghệ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, khoảng 20 người”. Để giải quyết, TS. Dũng đã phân chia giảng viên ai có khả năng nghiên cứu thì tập trung nghiên cứu, ai không có tập trung giảng dạy. Thậm chí sắp tới trường còn ra quy chế các giảng viên phải đi thực tế DN để thấy những chuyển đổi công nghệ, để quay về hướng dẫn sinh viên của mình.
Thực tế câu chuyện liên kết viện - trường với DN không phải mới, nó đã được nói tới từ rất lâu nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc. Trường có cái khó của trường, DN có băn khoăn của DN. Cần có bên thứ ba làm cầu nối cho sự liên kết hợp tác này được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đó chính là vai trò của Nhà nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, khẳng định trong CMCN 4.0, DN muốn vươn lên cạnh tranh trong khu vực và hướng đến tầm nhìn toàn cầu phải dựa vào đổi mới sáng tạo để có những sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh. Để làm tốt phải dựa trên nền tảng gắn kết DN với nhà khoa học, viện - trường.
“Thời gian tới, TP phải gắn DN với các viện, trường mới có tính cạnh tranh. Bởi 2% ngân sách của TP dùng cho nghiên cứu khoa học nhưng chưa dùng hết trong khi việc gắn kết giữa DN và trường viện đang rất khiêm tốn. Cả hai phía phải sẵn sàng liên kết với nhau, phải tạo ra cơ chế để hai bên cùng có lợi và nâng cao chất lượng cạnh tranh sản phẩm của DN” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.