Gắn kết Hà Nội - Sài Gòn - Singapore

(ĐTTCO) - 1. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Đó là lý do tôi quyết định dành vài tiếng đồng hồ rảnh rỗi trong buổi chiều cuối cùng của chuyến công tác để tham quan một địa điểm ở Hà Nội để có cảm xúc và trải nghiệm.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VM-QTG) nằm trong khu vực quận Đống Đa (Hà Nội) có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Đây là lần thứ ba tôi  tham quan VM-QTG, cùng đi với tôi là Việt Anh, một nam thanh niên gốc Thái Bình 28 tuổi, nhân viên của công ty đối tác tại Hà Nội.
Bước qua cổng tam quan vào khu vực bên trong có tường gạch vồ bao quanh, chia thành năm lớp không gian với các kiến trúc khác nhau và tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành dưới những tán lá cây xanh tươi mát, tôi cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Thật vậy, trong cái náo nhiệt ồn ào xe cộ và ô nhiễm khói bụi của một trong những đô thị lớn nhất đất nước, VM-QTG như là một giang sơn, một thánh địa bình an. Được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam với câu chuyện thất trảm sớ làm nức lòng học sinh trong những tiết học sử.
Còn Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước và là trường đại học đầu tiên ở nước ta. Ngày nay, VM-QTG nằm trong danh sách 23 di tích quốc gia được xếp hạng đặc biệt, được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, đồng thời cũng là nơi vinh danh học sinh xuất sắc. Đây từng là nơi các sĩ tử đến cầu may trước mỗi kỳ thi bằng cách vuốt đầu rùa tại các bia tiến sĩ, nhưng nay những nghi thức như vậy không còn được phép nữa.
Đứng ở nơi đây tôi cảm thấy hạnh phúc vì nhớ lại những lời cầu nguyện của mình cách đây 21 năm tại VM-QTG và một số đền chùa ở Hà Nội đã được ông bà tổ tiên và các bậc thánh hiền lắng nghe. Khi đó, trước khi rời quê cha đất tổ để mang chuông đi đánh xứ người, tôi cầu mong sức khỏe, tinh thần vững vàng và đầu óc sáng láng để học hỏi và tiếp thu cái mới để làm những chuyện có ý nghĩa cho quê hương đất nước. Tôi chia sẻ với Việt Anh, về những kỷ niệm với đất trời Hà Nội nghìn năm văn vật và những ước mơ ngày xưa đã thành hiện thực cùng những khát vọng hiện tại và tương lai.   
Gắn kết Hà Nội - Sài Gòn - Singapore ảnh 1 Tác giả (trái) và bạn trẻ Việt Anh trước Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc tử giám. 
2. Jay T là một nhà sản xuất âm nhạc nhiều tham vọng và đã có ít nhiều tên tuổi trong làng showbiz chia sẻ: “Đằng sau ánh hào quang là công lao của vợ anh, một nhà biên kịch cần mẫn chịu khó”. Nhưng mâu thuẫn  phát sinh khi Jay muốn đưa một vở nhạc kịch do vợ mình viết sang Paris để vươn đến đỉnh cao danh vọng, trong khi vợ anh thì cho rằng vở nhạc kịch này phải bắt đầu thành công từ quê hương mình là TPHCM.
Mặc dù yêu nhau nhưng hai người phải chia tay vì những mơ ước khát vọng cá nhân và nghề nghiệp khác nhau... Đó là nội dung chính của vở nhạc kịch mang tên “Những kẻ mộng mơ” (Fools Who Dream) do các sinh viên Việt Nam hiện đang học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) biểu diễn tại Nhà hát Gateway vào cuối tháng 3 vừa qua, mà tôi có dịp xem sau khi về lại Singapore. 
Điều thú vị của vở nhạc kịch này là lời thoại bằng tiếng Anh, nhưng câu hát lại bằng tiếng Việt với phụ đề song ngữ trên màn hình bố trí hai bên sân khấu. Vở kịch kể câu chuyện về những thanh niên đến từ Hà Nội, Sài Gòn với đam mê, hoài bão qua bao thăng trầm đã tìm đường thực hiện khát vọng và mục tiêu của bản thân trong cuộc sống đô thị sôi động và náo nhiệt.
Nhà hát Gateway với 500 ghế ngồi kín không còn chỗ trống, bởi khán giả không chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt mà còn có đông đảo bè bạn người nước ngoài tại Singapore. Mặc dù đây chỉ là một cuộc chơi của sinh viên Việt Nam, nhưng khán giả đã bị mê hoặc bởi tài năng diễn xuất bằng tiếng Anh chuẩn xác và nghệ thuật múa hát điêu luyện của các em.
Về mặt kịch bản và cấu trúc nội dung, theo thiển ý của tôi, vở diễn có vẻ  ngắn vì chỉ có hai hồi khiến màn kết diễn ra hơi đột ngột. Nhưng có lẽ đây cũng là thành công bởi vở nhạc kịch đã diễn ra trong gần hai tiếng đồng hồ mà khán giả đã quên đi khái niệm thời gian mà bị cuốn vào cung bậc cảm xúc, những niềm vui, nỗi buồn của từng nhân vật.
Khán giả sẽ trân trọng hơn khi biết đây là một công trình tập thể, thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của sinh viên nói riêng và cộng đồng người Việt tại Singapore nói chung. Còn tôi không thể giấu niềm khâm phục với tổng đạo diễn vở nhạc kịch này: Lê Khúc Hoàng Uyên, một nữ sinh viên năm thứ nhất ngành văn hóa nghệ thuật chưa đầy 21 tuổi.
Trong phần giới thiệu trên tập sách nhỏ quảng cáo về vở nhạc kịch bằng tiếng Anh, Hoàng Uyên cho biết em  muốn chia sẻ sự cảm thông của mình với những khó khăn mà giới trẻ Việt Nam phải trải qua nơi đất khách quê người như nỗi nhớ nhà, sự cô đơn hay những giằng xé nội tâm. Vở nhạc kịch là một thông điệp cho các bạn trẻ: Hãy tiếp tục theo đuổi giấc mơ với trái tim và khát vọng cháy bỏng và bạn sẽ thành công.  
 

3. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Lời bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn ám ảnh tâm trí tôi khi nỗi nhớ nhà dai dẳng chợt trỗi lên trong lòng. Cũng giống như nhân vật Jay trong vở nhạc kịch nói trên, tôi đã từng mơ ước được tìm ánh hào quang của kinh thành ánh sáng Paris, nhưng rồi số phận đã đưa đẩy sang Singapore để rồi tôi đã có mặt trên đảo quốc này trên hai thập niên.
Có những buổi sáng thức dậy, tôi tự hỏi vì sao mình lại lập nghiệp và sinh sống nơi đất khách quê người. Còn một số bạn bè thân hữu có dịp gặp lại và trò chuyện cũng hỏi tại sao cái hòn đảo bé tí nóng bức quanh năm này có gì đặc biệt mà níu kéo tôi qua một quãng thời gian khá dài trong đời người. Có nhiều lời đáp cho câu hỏi này, nhưng một trong những lý do mà tôi vẫn còn “loanh quanh” là vì “cõi tạm Singapore” này cũng rất gần Sài Gòn về mặt địa lý, và về thông thương thì hiện nay mỗi ngày có không dưới 20 chuyến khứ hồi không quá hai giờ bay.
Ai đó có thể than phiền về một Hà Nội hay Sài Gòn ồn ào, ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe và triều cường ngập nước sau những cơn mưa lớn, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được và cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Hà Nội giờ đây không còn hạn hẹp trong khái niệm 36 phố phường, Sài Gòn không còn phân biệt nội thành hay ngoại thành mà là TPHCM với đường chân trời xa hơn, rộng hơn và tầm nhìn cao hơn với nhiều tòa nhà chọc trời.
Trong hai mươi năm qua, tôi đã may mắn và vinh dự đóng góp phần khiêm tốn của mình cho quê nhà bằng những bài viết thường xuyên trên hai tờ báo lớn có cái tên “Sài Gòn” thân thương (Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính và Kinh tế Sài Gòn). Tôi đã có cơ hội được nhìn thấy và cảm nhận những thay đổi của Hà Nội và TPHCM như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Thế giới ngày nay đã được toàn cầu hóa và trở thành một ngôi làng và những lằn ranh hạn chế về biên giới và đi lại dần dần được loại bỏ. Tấm hộ chiếu màu xanh lá cây có giá trị hiệu lực 10 năm cho phép người Việt Nam đi đến 48 quốc gia khác mà không cần xin visa. Doanh nhân có thể được cấp thẻ APEC để thuận lợi khi hay công tác ở những quốc gia phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thanh niên Việt Nam giờ đây không nhất thiết phải lấy quốc tịch nước ngoài,với kỹ năng nghề nghiệp và biết tiếng Anh, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế sẽ trở thành công dân toàn cầu. Những nhân vật trong vở nhạc kịch mà tôi đã xem cũng như các bạn trẻ Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Singapore và nhiều nơi khác trên thế giới, đều có những giấc mơ khác nhau trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống.
Nhưng chắc chắn tất cả mọi người đều mong muốn và ước mơ làm một điều gì đó có ý nghĩa đều hướng về Tổ quốc, cho quê hương, cho nơi mình sinh ra với những hành trang, văn hóa và tâm linh vô giá.

Các tin khác