Gang thép Thái Nguyên: Nhà thầu phụ bế tắc

Dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, khởi công ngày 29-9-2007 với tổng vốn đầu tư 263 triệu USD, chủ yếu từ nguồn vốn vay tín dụng đầu tư phát triển và vốn vay thương mại quốc tế.

Dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, khởi công ngày 29-9-2007 với tổng vốn đầu tư 263 triệu USD, chủ yếu từ nguồn vốn vay tín dụng đầu tư phát triển và vốn vay thương mại quốc tế.

Qua tổ chức đấu thầu quốc tế, Công ty Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) được chọn làm tổng thầu EPC 2 gói thầu chính là khai thác, tuyển khoáng tại mỏ quặng sắt Tiến Bộ và dây chuyền luyện kim tại khu vực Lưu Xá, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên, công suất thiết kế 500.000 tấn phôi thép/năm.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, dự án đã gặp trở ngại đầu tiên. Nhà thầu MCC trì hoãn thực hiện dự án với lý do biến động kinh tế toàn cầu khiến giá cả vật tư tăng mạnh, không bảo đảm thi công với giá đã ký kết. Phải tới tháng 8-2009 bế tắc này mới được giải tỏa, sau khi Chính phủ cho phép tiến hành thương thảo và ký phụ lục điều chỉnh chi phí thực hiện phần xây dựng và lắp đặt của hợp đồng gói thầu chính.

Đồng thời với điều chỉnh này, đại diện chủ đầu tư là TCT Thép Việt Nam cũng được giao làm việc với nhà thầu MCC về việc chọn TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincom) làm nhà thầu phụ thực hiện phần xây dựng và lắp đặt, với nguyên tắc nhà thầu MCC chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hợp đồng theo phương thức EPC.

Thế nhưng sau đó dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ kéo dài và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khai thông. Theo phía chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên, nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực thi công yếu kém của nhà thầu phụ Vinaincom.

Chỉ sau hơn một năm Vinaincom được chỉ định thầu, Gang thép Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Công Thương và TCT Thép Việt Nam thu hồi 70 trong tổng số 163  tiểu hạng mục do Vinaincom đảm nhiệm giao cho các nhà thầu khác vì tiến độ thực hiện quá chậm.

Tuy nhiên, việc thi công gần 100 tiểu hạng mục còn lại vẫn tiếp tục ì ạch, trong đó có đến 66 tiểu hạng mục bị treo và dừng thi công do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, các hạng mục cơ bản, có tính quyết định tiến độ như xây dựng và gia công, chế tạo kết cấu thép vẫn do Vinaincom thực hiện.

Việc chậm trễ của Vinaincom kéo theo hàng loạt hạng mục của các nhà thầu khác chậm tiến độ. Hơn 90% máy móc, thiết bị đã được nhập về Việt Nam nhưng không thể đưa vào lắp đặt, đang phải phơi mưa, phơi nắng và dần rỉ sét.

Tháng 9 vừa qua, CTCP Gang thép Thái Nguyên đã có công văn gửi Bộ Công Thương và TCT Thép Việt Nam báo cáo rõ: toàn bộ phần kết cấu thép Vinaincom thực hiện trong 2 năm mới chỉ đạt 11% tiến độ, mặc dù chủ đầu tư quyết toán tài chính rất kịp thời.

Ngược lại, Vinaincom lại phủ nhận điều này và cho rằng chính lý do thiếu vốn đã gây nên chậm trễ. Cuộc tranh cãi giữa nhà đầu tư và nhà thầu phụ Vinaincom chưa có hồi kết.

Theo báo cáo tiến độ dự án, đến nay phần xây dựng mới đạt 60% tiến độ kế hoạch, còn phần kết cấu thép chỉ đạt 40%. Sự chậm trễ gây thiệt hại lớn. Riêng rủi ro tỷ giá đã lên trên 1.500 tỷ đồng, chưa kể máy móc thiết bị để ngoài trời lâu ngày bị hư hỏng chưa có thống kê.

Vinaincom là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, CTCP Gang thép Thái Nguyên cũng do Nhà nước giữ cổ phần chi phối, vì vậy thiệt hại cuối cùng vẫn do ngân sách nhà nước gánh chịu. Đây là thực tế không thể phủ nhận. Vì vậy, cần chỉ ra đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể, có như vậy mới tìm được giải pháp hữu hiệu khai thông tiến độ dự án.

Các tin khác