Tại Nghị quyết 02, Chính phủ lần đầu tiên giao Bộ Tư pháp xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn các bộ, địa phương hiểu đúng và thống nhất về chỉ số B1. Từ đó hướng đến việc cắt giảm các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp (DN). Mục tiêu từ năm 2019-2021, nâng xếp hạng chỉ số B1 lên 5-10 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc.
Nhận diện chi phí đúng luật
Nhận diện chi phí đúng luật
Nhìn dưới góc độ của DN sản xuất có thể thấy 2 loại chi phí. Thứ nhất, chi phí trực tiếp DN phải bỏ ra để sản xuất 1 sản phẩm (mua nguyên vật liệu, máy móc, tổ chức nhân công…). Nhưng trong quá trình sản xuất ra 1 sản phẩm, DN phải tuân thủ một số quy định của pháp luật và phân công nhân sự trực tiếp phụ trách.
Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho DN, cho xã hội. Vì vậy, điều quan trọng nhất cơ quan làm luật phải đưa ra quy định gì, viết cái gì có lợi cho DN. |
Giả sử DN Việt Nam và DN Thái Lan cùng sản xuất ra 1 sản phẩm với chi phí đầu vào trực tiếp như nhau, nhưng với gánh nặng lớn về chi phí tuân thủ pháp luật, khi bán sản phẩm với cùng giá, DN Thái Lan có lãi, còn DN Việt lãi ít, thậm chí lỗ.
Đó cũng là lý do Chính phủ mong muốn cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật nhằm giảm chi phí sản xuất đầu vào cho DN. Chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm: chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; phí và lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.
Gánh nặng cho vay
Gánh nặng cho vay
Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính bao gồm tổng thời gian DN bỏ ra hoàn thành thủ tục (chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ, nhận kết quả). Chi phí trả cho 1 hoặc một số người (lương hoặc thuê) giúp DN làm hồ sơ, thực hiện thủ tục. Mức độ thường xuyên phải làm thủ tục (tần suất DN phải làm thủ tục hàng năm).
Như vậy chi phí hàng năm sẽ là thời gian X chi phí nhân công X tần suất. Với phí và lệ phí bao gồm các khoản tiền phải nộp cho cơ quan giải quyết khi làm thủ tục dưới hình thức phí hoặc lệ phí. Tương tự như vậy chi phí hàng năm sẽ là phí, lệ phí X tần suất.
Chi phí đầu tư là khoản tiền DN phải bỏ thêm hoặc phải bỏ ra để mua sắm máy móc, trang thiết bị, thuê nhân công, đưa đi đào tạo hoặc học tập… để đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật. Với chi phí cơ hội là cơ hội kinh doanh DN mất đi do thời gian thủ tục kéo dài, chậm thủ tục hoặc không đúng hẹn.
Ngoài ra nó còn có thể là chi phí vốn (lãi suất, thu nhập…) DN đã đầu tư trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục, yêu cầu, quy định của pháp luật. Chi phí này rất khó tính toán và thường không nhỏ.
Một loại chi phí rất quan trọng và DN rất sợ là chi phí không chính thức, là DN phải bỏ ra để đưa cho người có thẩm quyền giải quyết thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật. Chi phí này phát sinh do bị đòi hỏi hoặc để thúc đẩy nhanh, được giải quyết nhanh, đúng hạn các thủ tục hành chính.
Xin nêu thí dụ về gánh nặng chi phí tuân phủ pháp luật: Trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, Điều 7 quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu xe hợp đồng, và phải dán cố định bên phải mặt trong kính của xe.
Chỉ 1 quy định như vậy nhưng sẽ thấy phát sinh thêm những chi phí, gồm chi phí thủ tục hành chính - xin cấp phù hiệu xe hợp đồng; lệ phí cấp phù hiệu; chi phí cơ hội do mất thời gian xin cấp phù hiệu xe không được đưa vào kinh doanh; chi phí vốn (lãi vay) đầu tư phương tiện trong thời gian chờ đưa vào kinh doanh. Có thể thêm chi phí đưa xe đến để được dán phù hiệu vào ô tô.
Cũng trong Điều 7 quy định phía trước kính, sau kính và 2 bên sườn xe niêm yết chữ “xe hợp đồng” (ngoài phù hiệu này). Điều này sẽ làm phát sinh chi phí đầu tư - cắt chữ để dán hoặc sơn trên các xe. Bên cạnh đó, với quy định trường hợp xe 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử, trên nóc xe phải có biển điện tử ghi xe hợp đồng điện tử.
Điều này sẽ phát sinh chi phí trang bị hộp đèn điện tử gắn nóc xe. Được biết giá hộp đèn điện tử khoảng 300.000-800.000 đồng/hộp. Nếu hãng xe có 1.000 xe hoặc nhiều hơn, chi phí đầu tư này sẽ rất lớn.
Phương thức cắt giảm
Phương thức cắt giảm
Để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN cần chú ý đến 2 vấn đề là nâng cao chất lượng quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả. Về vấn đề nâng cao chất lượng, thứ nhất chi phí thủ tục hành chính cần bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết và trùng lặp.
Đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Giảm tần suất thực hiện thủ tục, tăng thời hạn giấy phép, cấp phép điện tử. Thay chế độ cấp phép, xác nhận bằng tự kê khai, thông báo hoặc đăng ký. Thay thế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bằng điều kiện kinh doanh không cần cấp giấy.
Thứ hai, phí và lệ phí phải rà soát để bãi bỏ hoặc giảm phí, lệ phí. Thứ ba, chi phí đầu tư bổ sung khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới cần cân nhắc, tính toán và hạn chế đưa ra những yêu cầu làm phát sinh thêm chi phí đầu tư cho DN. Xem xét bãi bỏ hoặc cắt giảm các yêu cầu giới hạn tối thiểu về quy mô kinh doanh, máy móc, trang thiết bị tối thiểu, diện tích tối thiểu, website…; các yêu cầu số lượng nhân sự tối thiểu, yêu cầu về trình độ, tập huấn, kinh nghiệm làm việc…
Thứ tư, về chi phí cơ hội bãi bỏ quy định kém rõ ràng, bất hợp lý, nâng cao chất lượng quy định về thủ tục hành chính. Bãi bỏ, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp mâu thuẫn giữa các quy định. Thứ năm, về chi phí phi chính thức cần loại bỏ hoặc giảm bớt chi phí này.
Về tổ chức thực hiện gồm giảm tần suất đi lại, thời gian cho DN trong giải quyết thủ tục. Để làm được cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan (1 đầu mối thực hiện song song các thủ tục, phối hợp thực hiện thủ tục…). Ứng dụng công nghệ thông tin, bưu chính trong nộp hồ sơ, nhận kết quả. Áp dụng quy trình giải quyết ngay và cung cấp đầy đủ biểu mẫu trên website…
Ngoài ra, giải quyết thủ tục đúng hẹn cũng là cách thức giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Theo đó, nhận và trả kết quả đúng hẹn, thông báo tình hình giải quyết cho người nộp hồ sơ sớm, đầy đủ, tránh tình trạng chờ đến ngày cuối cùng của hẹn để trả lời “không được” hoặc yêu cầu bổ sung, sửa đổi.