Ngày 26-4, tại TPHCM, Bộ Công thương tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương ĐBSCL và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Ông Toản cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới biến động, phức tạp nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu quý I năm nay thắng lợi lớn.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Theo ông Nam, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Mặc dù tình hình đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông Huỳnh Văn Khỏe, giám đốc Công ty Đại Dương Xanh, đơn vị có 15 năm làm gạo, chia sẻ câu chuyện xuất khẩu gạo trong thời gian qua: "Chúng tôi không đủ gạo chất lượng để bán cho nhu cầu khách hàng. Mỗi năm công ty xuất khẩu mấy chục ngàn tấn gạo. Muốn bán gạo sang châu Âu, châu Mỹ, nhưng tất cả doanh nghiệp đều đang thiếu gạo".
Theo ông Khoẻ, hiện cái khó lớn nhất không phải thị trường xuất khẩu, mà là vùng trồng cần quy hoạch lại, phải đi từ giống, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất căn cơ để có thương hiệu, để đáp ứng nguồn cung chất lượng. "Trước khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua gạo của chúng ta vì chất lượng", ông Khỏe nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103, Nghị định 107/2018 để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường tốt hơn.