Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội ngày 29/9. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng tăng 2,12% và GDP quý 3 tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, cả hai con số đều là mức tăng thấp nhất của giai đoạn 2011-2020.
Tăng trưởng kinh tế thế giới khả quan
Theo báo cáo, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội của nhiều nước trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên đến thời điểm giữa tháng 9, các nền kinh tế đã tái khởi động sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa do dịch COVID-19. Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho hay thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu đã cho thấy mức tăng cao nhờ sự nới lỏng của các ngân hàng trung ương và dần mở cửa trở lại của một số nền kinh tế. Dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục nới lỏng, lạm phát duy trì ở mức thấp.
Cụ thể, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và cộng đồng chung châu Âu mặc dù vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự báo sẽ có tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Riêng nền kinh tế Trung Quốc từ mức tăng trưởng âm trong quý 1 đã phục hồi lên mức tăng trưởng dương trong quý 2 và 3.
Kết quả thành công trong bối cảnh COVID-19
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong cả nước chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế cũng gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam, khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đã đến năng suất và sản lượng cây trồng.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Với kết quả GDP 9 tháng, bà Hương cho biết: “Mặc dù là mức tăng thấp nhất trong 10 năm nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.”
Theo bà Hương, dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhờ đó GDP quý 3 đã tăng trưởng khởi sắc so với quý 2, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, khu vực dịch vụ tăng 2,75% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%. Về sử dụng GDP quý 3, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tích lũy tài sản tăng 5,79%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%.
“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu ‘vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội’,” bà Hương nói.
Theo báo cáo, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84% và đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35% cùng với khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2019 và tích lũy tài sản tăng 3,39%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 0,9%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 1,25%.