Không thể mãi dựa dẫm FDI
Hiện nay có khá nhiều nghiên cứu về tình hình kinh tế hậu Covid-19, chủ yếu tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh này đến tăng trưởng GDP. Theo cơ quan Thống kê Mỹ, quý I-2020 của Việt Nam tăng trưởng 3,82%. Các tổ chức và các chuyên gia nghiên cứu của Mỹ ở mức độ khác nhau đa phần dự báo Việt Nam vẫn có tăng trưởng GDP, chỉ thấp hơn năm trước, không âm, dù cả thế giới tăng trưởng âm.
Trong GDP, theo phương pháp thu nhập có 3 yếu tố cơ bản (thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất và thuế gián thu), nguyên tắc chỉ có 2 yếu tố là thu nhập người lao động và thặng dư sản xuất tạo ra tăng trưởng. Vậy yếu tố nào trong 2 yếu tố này của GDP tăng trưởng? Hay cả 2 đều tăng trưởng?
Hiện tại, cơ quan thống kê Việt Nam vẫn chưa tính toán và công bố chính thức GDP theo phương pháp thu nhập, nên yếu tố nào trong 2 yếu tố nói trên có mức tăng và giảm ra sao cũng là câu hỏi cần giải đáp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày cuối tháng 4, tính đến giữa tháng 4 có 5 triệu lao động mất việc làm - tức lao động giảm 9%. Xét từ bảng cân đối liên ngành, hệ số co giãn về lao động khoảng 0,7% và năng suất lao động bình quân hàng năm tăng 5%, vốn đầu tư toàn xã hội giảm 2%, GDP 4 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,1%.
Tuy nhiên, sang đầu tháng 5, nền kinh tế dần mở cửa trở lại và đi vào sản xuất. Các dự báo cho thấy dòng vốn FDI có thể bùng nổ vào 6 tháng cuối năm, tức tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt 3,5-4% trong năm 2020. Tăng trưởng GDP dẫn đến việc làm cho người lao động và sự sôi động của nền kinh tế. Nhưng tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI có thể làm nguồn lực nền kinh tế thông qua để dành nhỏ lại, trong trường hợp nguồn chuyển nhượng (kiều hối) gặp vấn đề.
Hơn nữa, GDP như vậy chỉ mang tính ngắn hạn và tức thời, để nền kinh tế bền vững trong dài hạn cần nghiên cứu đánh giá về chỉ tiêu tiết kiệm của nền kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là nguồn lực nền kinh tế Việt Nam ra sao? Nếu chỉ nhìn vào quy mô GDP để đánh giá, có thể không phản ánh hết nguồn lực thực sự của nền kinh tế đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Theo nguyên tắc thường trú trong tính toán GDP, thì GDP bao gồm cả phần thặng dư của doanh nghiệp (DN) FDI, nhưng khoản này có thể được giữ lại, cũng có thể các DN này chuyển lợi nhuận về công ty mẹ hoặc nước ngoài.
Từ khi Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên hiệp quốc được áp dụng ở Việt Nam, dường như chỉ duy nhất chỉ tiêu GDP được sử dụng và đề cập phổ biến, các báo cáo của cơ quan và các nghiên cứu chỉ bàn và phân tích về GDP. Trong khi đó, theo SNA, GDP không phải chỉ tiêu quan trọng nhất.
Ngoài GDP còn các chỉ tiêu như tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm. Nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chi tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư.
Mất cân đối
Niên giám thống kê cho thấy, tỷ lệ giữa GNI và GDP đang ngày càng bị nới rộng. Nếu năm 2010 tỷ lệ giữa GNI và GDP 97%, đến năm 2018 tỷ lệ này còn 93%. Điều này cho thấy dòng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chỉ tiêu chi trả sở hữu ngày càng nhiều.
Tăng trưởng bình quân chi trả sở hữu thuần trong giai đoạn 2010-2018 theo giá hiện hành 29%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành bình quân giai đoạn này 16%. Như vậy có thể thấy dòng tiền chảy ra nước ngoài tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP lên đến 13%.
Năm 2018, theo số liệu sơ bộ của TCTK, chi trả sở hữu thuần trên 17 tỷ USD, còn nếu chỉ tính đến chi trả sở hữu con số này lên khoảng 18 tỷ USD. Phần nhiều trong khoản 18 tỷ USD này là khu vực FDI chuyển tiền về nước sau khi được hưởng mọi ưu đãi của Việt Nam.
Ước tính chi trả sở hữu năm 2019 có thể trên 19 tỷ USD. Trớ trêu là tăng trưởng GDP đang phụ thuộc vào khu vực FDI. Điều này cho thấy nghịch lý càng tăng trưởng GDP càng khiến nguồn lực của nền kinh tế bị bào mòn?
Hiện nay, chỉ tiêu NDI chưa được TCTK tính toán và công bố chính thức. Theo ước tính từ số liệu của TCTK, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, NDI so với GDP năm 2013 là 113%, đến năm 2018 tỷ lệ này còn 110%. NDI nếu trừ đi phần tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ, sẽ được phần tiết kiệm của nền kinh tế.
Mặc dù hiện nay tiết kiệm của nền kinh tế trong GDP vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn đầu tư thực hiện trên GDP, nhưng khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư đang ngày càng bị thu hẹp. Năm 2013, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP 41%, trong khi đầu tư so với GDP 31%, khoảng cách giữa 2 tỷ lệ này 10%.
Đến năm 2018, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP còn 36%, trong khi tỷ lệ đầu tư so với GDP tăng lên 33%, chênh lệch chỉ còn 3%. Về nguyên tắc, tiết kiệm lớn hơn đầu tư cho thấy nguồn lực của nền kinh tế ổn, tuy nhiên nguồn lực này ngày càng có xu hướng nhỏ đi.
Nghịch lý nữa, dù tiết kiệm lớn hơn đầu tư nhưng nền kinh tế vẫn vay quá nhiều. Theo “Sách trắng DN Việt Nam” vừa được TCTK công bố, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của cả nền kinh tế tăng từ 2,1 giai đoạn 2011-2016 lên 2,5 vào năm 2017 (trong đó DNNN tăng từ 3,02 lên 4,24).
Điều này chỉ có thể lý giải bởi hiện tượng tiết kiệm nhiều nhưng không đi vào khu vực sản xuất ở chu kỳ sản xuất sau. Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiết kiệm nền kinh tế so với GDP ngày càng nhỏ do việc chi trả sở hữu ngày càng lớn khiến lượng kiều hối không thể bù đắp nổi.
Năm nay, dù dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng mạnh. Điều này có thể khiến chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng lên và lượng kiều hối chuyển về Việt Nam giảm đáng kể. Ước tính lượng kiều hối giảm khoảng 30%, có thể dẫn đến tỷ lệ GNI so với GDP chỉ còn 90%, tỷ lệ NDI thấp hơn GDP và nguồn để tái đầu tư sẽ thiếu hụt trong chu kỳ sản xuất sau.
Thực trạng trên đã và đang nói lên điều gì? Rõ ràng GDP là chỉ tiêu mang tính nhất thời và ngắn hạn, tiết kiệm mới là chỉ tiêu phản ánh nội lực của nền kinh tế trong dài hạn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách không nên chỉ quan tâm đến ngắn hạn mà bỏ qua những yếu tố tác động đến nền kinh tế mang tính dài hạn và căn cơ hơn. GDP không phải là tất cả.
GDP là chỉ tiêu mang tính nhất thời và ngắn hạn, tiết kiệm mới là chỉ tiêu phản ánh nội lực của nền kinh tế trong dài hạn. Bởi lẽ, nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chi tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. |