GDP khó tăng trưởng 6,7%

Khó đạt mục tiêu kể cả khi thuận lợi?

(ĐTTCO) - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015 (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%). Từ kết quả này, nhiều chuyên gia cho rằng GDP năm 2016 khó tăng 6,7% như mục tiêu đề ra.

Khó đạt mục tiêu kể cả khi thuận lợi?

Theo nhóm tác giả PGS.TS Trần Kim Chung và Đào Xuân Tùng Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2016 đang có cả thuận lợi lẫn rủi ro đan xen. Trước hết, 6 tháng cuối năm, bối cảnh quốc tế tiếp tục có nhiều biến động. ASEAN tiếp tục bị chia rẽ về vấn đề biển Đông, đặc biệt khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc vào 12-7, được dự báo theo chiều hướng có lợi cho Philippines; Indonesia đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ chủ quyền của nước này trên biển Đông. Bên cạnh đó, việc Anh rời EU dự báo có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu vào Anh và EU, cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam... 

Tăng trưởng GDP cả năm 6,7% khó đạt được như mục tiêu Quốc hội đề ra. Cụ thể, GDP cả năm có thể tăng ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long 

Về trong nước, 6 tháng cuối năm, nền kinh tế tiếp tục duy trì một số hạn chế trong giai đoạn trước đó. Đó là tình trạng khó khăn về ngân sách. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2016, thu ngân sách sẽ chỉ đủ để bù đắp chi thường xuyên và trả nợ. Vay nợ sẽ là nguồn chính (hoặc duy nhất) cho đầu tư phát triển. Nợ công tiếp tục là rào cản cho việc vay để đầu tư, tỷ lệ nợ công/GDP đã tiệm cận giới hạn cho phép. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ này tiếp tục tăng trong năm 2016, sẽ vượt ngưỡng an toàn 65% vào năm 2017. Phí đường bộ, BOT không tăng trong những tháng cuối năm, nhưng dự báo vẫn duy trì mức cao như hiện nay và khó có khả năng giảm, ít nhất là trong ngắn hạn.

 Ngoài những thách thức, một số điểm sáng trong những tháng cuối năm sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn việc cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, giảm bớt rào cản trong đăng ký thành lập DN đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm đến nay. Triển vọng đầu tư của khu vực tư nhân sẽ tốt lên. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vận hành tốt vào nền kinh tế. Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nguồn vốn FDI có nhiều khả năng sẽ tốt hơn... "Tuy nửa cuối năm 2016 GDP sẽ tăng cao hơn nửa đầu năm 2016, song cả năm khó đạt mức 6,7%. Lạm phát tăng do việc tăng giá nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhưng vẫn có khả năng đạt mục tiêu dưới 5%. Nông nghiệp hồi phục, có thể đạt mức tăng trưởng dương (nhưng không cao); công nghiệp tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm 2016; hoạt động của DN sẽ cải thiện; tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị hạn chế, khó đạt mức tăng trưởng mục tiêu là 10% do tình hình thế giới biến động khó lường" - nhóm tác giả nhận định. TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng với việc GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,52%, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng trên 7,5%. Đây là điều khó khả thi vì sản xuất công nghiệp khó tăng cao (dự báo cả năm chỉ tăng 8%, kế hoạch là 9%), xuất khẩu khó tăng cao (dự báo cả năm chỉ 7% trong khi mục tiêu 10%). Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay trong khoảng 6,2-6,3%.

Cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí

Để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhóm tác giả khuyến nghị cần tăng cường hiệu lực của việc xóa bỏ, hạn chế các điều kiện kinh doanh, tạo nền tảng giảm chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP (về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020) nhằm giảm chi phí vận tải hàng hóa cho DN. Đích đến là tăng cường tối đa sức mạnh của cơ chế trong việc giảm chi phí sản xuất, vận tải để tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa ngay trong địa bàn thị trường nội địa. Từ đó, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với quốc tế. Cùng với đó cần tăng cường thu hút, thúc đẩy các nguồn đầu tư trong DN, trong dân; duy trì ổn định lạm phát, ổn định và tiến tới giảm dần mặt bằng lãi suất; minh bạch hóa các dự án BOT - PPP giúp bảo đảm mức phí hợp lý, tránh tình trạng tăng phí ồ ạt, gây bức xúc trong cộng đồng DN. Ngoài ra cần phải theo dõi sát tình hình thế giới và có hành động phù hợp trước những biến động của tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới.

Còn theo TS. Phạm Tiến Đạt và Ngô Văn Hiếu (Học viện Ngân hàng), cải cách thể chế kinh tế, hành chính có ý nghĩa quyết định. Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi). Để đạt được mục tiêu này, một trong những lưu ý là Chính phủ cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô để điều tiết lợi ích, giữa việc tạo thuận lợi nhất cho DN sản xuất kinh doanh thông qua giảm giá các đầu vào cơ bản, với mục tiêu tăng thu ngân sách bằng việc tăng một số sắc thuế cũng như giá cả các hàng hóa độc quyền (điện, xăng). Bên cạnh đó, khuyến khích DN nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng để giảm giá thành sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; thực hiện điều chỉnh giá có lộ trình, nhất là một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá cả hàng hóa tăng vào cùng một thời điểm...

Các tin khác