Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đưa ra hai kịch bản: Nếu tăng trưởng thấp do gặp nhiều khó khăn thì trong năm 2022, tăng trưởng GDP có thể khoảng 7,5%. Còn nếu trong bối cảnh mọi thứ diễn biến như hiện nay, không có đột biến bất lợi với nền kinh tế nước ta từ bên ngoài thì dự báo GDP tăng trưởng khoảng 8%.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá bối cảnh sẽ vẫn căng thẳng, thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn.
Vấn đề lạm phát và tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 vô cùng khó đoán định, do lạm phát toàn cầu và các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế của đối tác quan trọng của nước ta đều trong trạng thái khó có thể kết thúc trong một, hai tháng tới và có thể kéo dài thêm sang năm sau. Chúng ta nếu có những chính sách kiểm soát tốt thì tăng trưởng ổn định, nếu không kiểm soát tốt thì rất khó dự báo rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: "Các chuyên gia cho rằng, nếu các nước kiểm soát lạm phát cao với cường độ mạnh của các nền kinh tế lớn thì dễ dẫn tới sự suy thoái. Để khắc phục tình trạng lạm phát cao và kéo theo suy thoái thì thời gian không hề ngắn. Nền kinh tế của chúng ta quy mô lớn, nhưng độ mở rất lớn nên tác động của lạm phát toàn cầu là có.
Ngoài ra, chúng ta còn phải cảnh giác với những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu và kiến nghị với Chính phủ được lựa chọn kịch bản tăng trưởng năm 2023 là khoảng 6,5%".
Nói về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đạt 46,7% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (47,38%) nhưng số tuyệt đối lại cao hơn năm trước gần 35.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn năm 2021. Điều này dẫn tới kết quả là vốn giải ngân đầu tư công năm nay cao hơn về số tuyệt đối so với năm 2021 là 16%.