Thực tế Việt Nam vẫn lấy tăng trưởng và cấu trúc ngành với thứ tự ưu tiên công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp như là mục đích tối thượng của quá trình công nghiệp hóa, mà không tính đến hậu quả môi trường, gánh nặng nợ nần.
Chính sách công nghiệp hóa một thời dựa vào tốc độ và chuyển dịch cơ cấu cơ học, đã làm hiệu quả đầu tư suy giảm. Tức các ngành công nghiệp được tăng đầu tư nhưng lại bị giảm sút vốn đầu tư một cách có hệ thống. Đó là một trong những lý do phải cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng căn cơ hơn.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách, vì thiếu công cụ để đo lường các ngành, phân ngành trọng điểm khi căn cứ vào hiệu quả sản xuất; những tác động đến xuất nhập khẩu, ô nhiễm môi trường…
Có thể thấy, tỷ lệ đầu tư của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng cao. Năm 2005 tỷ lệ này khoảng 19%, đến năm 2019 tăng lên hơn 27%. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này lại giảm nhanh (căn cứ vào bảng I/O năm 2007 của Tổng cục Thống kê là 34,1%, I/O mới chỉ còn 21%). Điều này có nghĩa nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng kém hiệu quả, hoặc mức độ gia công của nhóm ngành này ngày càng cao.
Như vậy nếu tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5-7%, và cấu trúc kinh tế thiên về công nghiệp (khai thác và chế biến, chế tạo) như mục tiêu các nhà hoạch định chính sách đưa ra, tình hình phát khí thải sẽ ra sao và cấu trúc kinh tế sẽ như thế nào?
Từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm dựa trên ứng dụng phân tích vào ra và chất thải theo ngành của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chất thải được tính toán dựa trên 2 kịch bản: (1) Tăng trưởng bình quân GDP hàng năm giai đoạn 2016-2025 là 6,5%/năm và cấu trúc giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp trong GDP đến năm 2025 là 15%, của ngành công nghiệp và dịch vụ là 85% (trong đó công nghiệp 40% và dịch vụ 45%).
(2) Cơ cấu ngành nông nghiệp giảm còn 10%, công nghiệp và dịch vụ 90% (công nghiệp 45% và dịch vụ 45%).
Trong kịch bản 1, khối lượng chất thải CO2 tăng từ 139 triệu tấn (năm 2010) lên 263 triệu tấn (năm 2025), và tổng số chất thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O) tăng từ 268 triệu tấn (năm 2010) lên 480 triệu tấn (năm 2025). Tốc độ tăng bình quân là 6,8%.
Ở kịch bản 2, khối lượng chất thải CO2 đến năm 2025 ước tính 288 triệu tấn và tổng số chất thải khí nhà kính là 491 triệu tấn. Như vậy khi cấu trúc ngành công nghiệp trong GDP càng tăng, hiểm họa đối với môi trường càng lớn. Nếu tính cả chất thải khí từ tiêu dùng (ước tính 30 triệu tấn đến năm 2025) trong cả 2 kịch bản, tổng lượng khí nhà kính đạt trên 500 triệu tấn.
Các ngành khảo sát trong mô hình gồm: (1) Nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và nghề cá; (2) Khai thác mỏ; (3) Chế biến lương thực, bia và thuốc lá; (4) Sản xuất dệt may, trang phục và sản phẩm da; (5) Khí và chế biến dầu mỏ; (6) Công nghiệp hóa học; (7) Chế biến các sản phẩm khoáng sản phi kim loại; (8) Sản xuất và chế biến thép và sản phẩm thép; (9) Chế tác máy móc và thiết bị; (10) Chế tác khác;
(11) Xây dựng; (12) Sản xuất và cung ứng điện và nhiệt; (13) Vận tải, kho bãi, bưu điện, truyền tin, dịch vụ máy tính và phần mềm; (14) Bán buôn và thương mại bán lẻ, khách sạn và ẩm thực; (15) Bất động sản, cho thuê và dịch vụ kinh doanh; (16) Liên kết tài chính; (17) Dịch vụ khác.
Đáng chú ý, nhu cầu về năng lượng và lượng phát thải (CO2) cho một đơn vị tăng thêm của giá trị gia tăng đến năm 2012 của Việt Nam cao hơn Trung Quốc. Nhưng nếu loại phần chi phí trung gian là nhập khẩu, hệ số về nhu cầu năng lượng và phát thải CO2 lại thấp hơn Trung Quốc. Phải chăng Việt Nam nhập khẩu công nghệ lạc hậu chỉ tính đến lợi nhuận không tính đến những ảnh hưởng về môi trường?
Như vậy, nếu chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, không tính đến thay đổi cấu trúc trong nội tại mỗi ngành và cơ cấu ngành kinh tế trong tổng giá trị gia tăng, đến năm 2035 Việt Nam sẽ thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu thế giới về ô nhiễm.