Ghế “nóng” Sacombank?

(ĐTTCO) - Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐCHĐ) NH đang vào những ngày cao điểm, song bản thân Sacombank vẫn chưa chốt được lịch họp ĐHCĐ thường niên năm 2016. Trước ĐHCĐ thường niên diễn ra, vấn đề nóng đang được nhà đầu tư, cổ đông quan tâm và nóng lòng chờ là ai sẽ nắm quyền điều hành cấp cao, giữ ghế chủ tịch HĐQT ở Sacombank trong nhiệm kỳ tới.

(ĐTTCO) - Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐCHĐ) NH đang vào những ngày cao điểm, song bản thân Sacombank vẫn chưa chốt được lịch họp ĐHCĐ thường niên năm 2016. Trước ĐHCĐ thường niên diễn ra, vấn đề nóng đang được nhà đầu tư, cổ đông quan tâm và nóng lòng chờ là ai sẽ nắm quyền điều hành cấp cao, giữ ghế chủ tịch HĐQT ở Sacombank trong nhiệm kỳ tới.

Trên thị trường gần đây xuất hiện thông tin cho rằng NHNN sẽ điều động nhân sự vào điều hành ở Sacombank. Điều này cũng dễ hiểu vì đã được thể hiện trong nội dung ủy quyền cổ phần của ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, và cam kết không hủy ngang cho NHNN, kể cả sau khi Sacombank đã hoàn thành sáp nhập Southernbank; ông Trầm Bê không tham gia điều hành Sacombank sau sáp nhập.

Hiện ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank, là người nắm quyền điều hành NH, nhưng theo nguồn tin sẽ có lãnh đạo của Vietcombank tham gia điều hành Sacombank theo chỉ đạo NHNN, song vấn đề này vẫn đang được NHNN cân nhắc. Trong khi trước đó vào khoảng đầu tháng 3-2016, lại có thông tin NHNN cử lãnh đạo của một NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tham gia điều hành ở vị trí ghế “nóng” Sacombank. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, sau khi ông Cao Xuân Ninh, Trưởng Văn phòng đại diện NHNN tại TPHCM (đại diện phần vốn Vietcombank tại Eximbank), không trứng cử chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank trong kỳ ĐHCĐ bất thường cuối năm 2015, sẽ tham gia điều hành Sacombank sau kỳ ĐHCĐ thường niên năm nay. Thế nhưng, tất cả chỉ là tin đồn, kể cả khi ông Ninh đã rút khỏi HĐQT Eximbank và ghế “nóng” Eximbank đã có ông Lê Minh Quốc điều hành.

Thực tế, tại Sacombank mặc dù ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với cán bộ nhân viên Sacombank ông Bê vẫn dõi theo thậm chí giám sát, điều hành. Bóng dáng của nguyên phó chủ tịch HĐQT này vẫn được xem là lãnh đạo cấp cao trong NH. Tại buổi lễ kỷ niệm 24 năm của Sacombank cuối năm 2015, Chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng không xuất hiện, thay vào đó người cầm trịch buổi lễ là ông Trầm Bê cùng các thành viên trong gia đình mình.

Dưới thời lãnh đạo của ông Trầm Bê, Southernbank bê bết nợ xấu và hiệu quả thấp. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và cổ đông lo ngại khi đại gia này cùng gia đình lại nắm quyền chi phối ở Sacombank. Trước khi cam kết ủy quyền cho NHNN, Sacombank được xem là “đứa con” của ông Bê sau khi thực hiện xong kế hoạch hoàn hảo sáp nhập Southernbank vào Sacombank cuối năm rồi. Tuy nhiên, Sacombank sau sáp nhập ông Bê không còn quyền điều hành. Nhân sự Sacombank trong thời gian qua có nhiều biến động, kể từ khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn cuối năm 2011 và ông Đặng Văn Thành (người sáng lập Sacombank và chủ tịch HĐQT) phải ra đi, đến nay Sacombank đã 3 lần thay vị trí người nắm quyền điều hành cao nhất.

Trên thị trường gần đây cũng xuất hiện nhiều thông tin, liệu có khi nào người cũ đã từng nắm quyền điều hành Sacombank sẽ quay lại? Thực tế, những người sáng lập Sacombank đã có công gầy dựng một thương hiệu NH bán lẻ Sacombank khá vững chắc, tạo nền móng cho NH phát triển đến  ngày hôm nay. Do đó, nếu trường hợp trên có xảy ra cũng là điều khá tích cực cho chiến lược phát triển của nhà băng này.

Sacombank được xem là một trong những NH có tốc độ tăng trưởng bền vững cả về quy mô và lợi nhuận trong những năm trước, song kết quả kinh doanh 2015 lại sụt giảm khá mạnh, do phải gánh khoản nợ lớn từ sáp nhập Southernbank. Kết quả lợi nhuận trước thuế Sacombank đạt được năm rồi chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi mức thực hiện của 3 năm trước đó đều trên dưới 3.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Sacombank còn dự kiến trích dự phòng cho các khoản nợ xấu tiếp tục tăng lên trong 2 năm tới, khiến lợi nhuận thu về cũng bị bào mòn và ước chỉ đạt mức khoảng 1.000-1.100 tỷ đồng cho giai đoạn năm 2016-2017, do tập trung xử lý nợ.

Các tin khác