Ghìm cương lạm phát?

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thị trường giá cả tháng 9 và 9 tháng năm 2016. Theo đó, CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,14% so với tháng 12-2015 và bình quân 9 tháng năm tăng 2,07% so với cùng kỳ.

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thị trường giá cả tháng 9 và 9 tháng năm 2016. Theo đó, CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,14% so với tháng 12-2015 và bình quân 9 tháng năm tăng 2,07% so với cùng kỳ.

CPI tháng 9 tăng bắt nguồn từ việc có tới 10/11 chỉ số nhóm hàng hóa tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%. Nguyên nhân nhóm giáo dục tăng mạnh là từ tháng 9 tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước tăng học phí theo nghị định của Chính phủ. Nhóm này tăng đã đóng góp 0,42% vào mức tăng chung. Nhóm giao thông tăng cao thứ 2 với 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến CPI tăng mạnh như hợp đồng xuất khẩu 150.000 tấn gạo cho Philippines; thời tiết mưa nhiều khiến giá rau xanh tăng mạnh, nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón, giày dép cho năm học mới tăng khiến chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Năm nay, theo yêu cầu của Quốc hội và mục tiêu của Chính phủ, CPI tăng 5% nhưng 9 tháng đã tăng 3,14%. Dù vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu đề ra nhưng thời gian 3 tháng còn lại của năm thực sự là thách thức với Chính phủ. Bởi lẽ, trong vài năm gần đây, Chính phủ luôn đặt mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những năm gần đây CPI thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu, nhưng năm nay CPI có diễn biến khó lường hơn. Tính từ đầu năm đến nay, CPI tất cả các tháng sau đều tăng so với tháng trước.

Vấn đề đặt ra lúc này là từ nay đến hết năm 2016 có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm... Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Cùng với đó, các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI. Đặc biệt vào dịp cuối năm, công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán, công tác kiểm soát thị trường… phải được thực hiện quyết liệt. Bởi thực tế cho thấy lạm phát những tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm. Áp lực tăng giá hàng hóa của năm nay rất lớn còn do những yếu tố khác tác động, gây ảnh hưởng lên CPI như thiên tai, thời tiết thất thường; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Chính vì lẽ đó, Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế, giáo dục… nhằm tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Hiện nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về khả năng mục tiêu kiềm chế lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra của nền kinh tế. Dự báo về năm nay, Tạp chí The Economist cũng từng đưa ra nhận xét rằng áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn, áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên, mức tăng của lạm phát từ nay đến năm 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, không tăng sốc như giai đoạn 2011-2015.

Để tiếp tục kiềm chế lạm phát trong năm nay, các bộ, ngành cần tiếp tục kiên trì trong điều hành chính sách liên quan đến tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá cả (nhất là những mặt hàng nhà nước quản lý). Riêng với chính sách tiền tệ cần đặc biệt tập trung vào điều hành lãi suất, tỷ giá, lượng cung tiền và tín dụng… Cùng với đó, các bộ, ngành cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; giám sát chặt chẽ kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Các tin khác