Nguyên nhân giảm giá đến từ xu hướng chung của thị trường hàng hóa, khi xuất hiện làn sóng lo ngại suy thoái toàn cầu diễn ra bởi tăng trưởng kinh tế Mỹ suy yếu và nhu cầu từ Trung Quốc bị gián đoạn.
Trong khi đó, nền kinh tế của châu Âu đối diện nguy cơ trì trệ do giá năng lượng quá cao, xuất phát từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tính đến ngày 24-8, giá bắp trên sàn CBOT đã hồi phục khoảng 17,6% kể từ đáy.
Sản lượng giảm bởi thời tiết khô hạn
Sản lượng giảm bởi thời tiết khô hạn
Theo báo cáo ban hành đầu tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mùa vụ bắp 2022-2023 quay trở lại tình trạng thiếu hụt sau khi thặng dư trong mùa vụ trước. Nguyên nhân đến từ các yếu tố như cuộc chiến Nga - Ukraine và tác động của điều kiện khô hạn tại Bắc bán cầu. Tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới khoảng 1.184.766 ngàn tấn, trong khi đó sản lượng sản xuất dự kiến ở mức 1.179.607 ngàn tấn, thiếu hụt khoảng 5,16 triệu tấn. Sản lượng bắp của vụ hiện nay giảm khoảng 39,2 triệu tấn, tương ứng giảm 3,21%, chủ yếu đến từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Khu vực EU dự kiến chỉ đạt 60 triệu tấn, giảm 11 triệu tấn so với con số 71 triệu tấn của mùa vụ trước. Đơn vị Giám sát Tài nguyên nông nghiệp của EU (MARS) cho biết, sản lượng giảm gần 16%, dưới mức trung bình 5 năm. Đây là sự điều chỉnh giảm so với con số dự báo giảm 7,8% đưa ra hồi tháng 7. Báo cáo của MARS cho biết nguyên nhân đến từ việc các giai đoạn căng thẳng về nước và nhiệt độ đã diễn ra trùng hợp với giai đoạn ra hoa nhạy cảm.
Tác động của thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của bắp, còn ảnh hưởng tới các loại cây trồng mùa hè khác của EU, như đậu nành giảm 9,6%, hoa hướng dương giảm 5,5%. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thời tiết khô hạn là Pháp, Itaia, Đức, Hungary, Rumani, Slovenia, Croatia.
Báo cáo cho biết thêm, ở Tây Bắc Italia và miền Nam - miền Trung Tây Ban Nha mực nước rất thấp trong các hồ chứa, không đủ đáp ứng nhu cầu nước cho cây trồng và việc tưới tiêu cho một số cánh đồng đã bị bỏ hoang. Trong khi đó, quốc gia có sản lượng bắp lớn của châu Âu là Ukraine dự kiến chỉ đạt sản lượng 30 triệu tấn, giảm 12 triệu tấn so với mùa vụ trước.
Đóng góp trong nguyên nhân sụt giảm nhiều nhất là ở Mỹ, khi sản lượng bắp dự kiến chỉ đạt 364,7 triệu tấn, giảm hơn 19 triệu tấn so với mùa vụ 2021-2022, tương ứng giảm 5%. Sản lượng của Mỹ giảm do yếu tố chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ bắp sang đậu nành (loại cây sử dụng ít phân bón hơn), và vấn đề nhiệt độ cao trên khắp vùng Trung Tây. Diện tích bắp bị hạn hán tính đến ngày 9-8 là 28%, với 72% ở Nebraska, 74% ở Kansas, 31% ở Iowa và 19% ở Minnesota.
Điểm sáng duy nhất đối với nguồn cung là ở khu vực Nam Mỹ, với sự gia tăng sản lượng của Brazil và Argentina, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở các khu vực khác. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cũng giảm khoảng 15 triệu tấn do kinh tế thế giới chững lại. Lượng tồn kho cuối kỳ được dự báo đạt khoảng 306,7 triệu tấn, giảm khoảng 1,6% so với mùa vụ 2021-2022. Tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiêu thụ dự kiến ở mức 25,9%, thấp hơn so với tỷ lệ 26% của mùa vụ trước.
Xu hướng giá bắp thời gian tới
Tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiêu thụ giảm là yếu tố hỗ trợ giá bắp tăng, do mối tương quan nghịch giữa giá bắp và tỷ lệ tồn kho cuối kỳ. Về mặt định tính, tỷ lệ này có khả năng tiếp tục giảm trong các báo cáo định kỳ những tháng tiếp theo, bởi sự kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tốt hơn khi kinh tế Trung Quốc quay trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2022.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong báo cáo mới nhất hồi tháng 7, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ở mức 3,3% trong cả năm 2022. Kinh tế Mỹ cũng được kỳ vọng tốt hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2022, khi IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 vẫn dự kiến đạt 2,3% trong năm nay, bất chấp ghi nhận tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp vừa qua.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng cho thấy sự kỳ vọng vào khả năng hồi phục của kinh tế nước này trong phần còn lại của năm, khi chỉ số SP500 đã tăng liên tục kể từ cuối tháng 6 đến nay với mức tăng hơn 12%. Sự kỳ vọng của thị trường tài chính là có cơ sở khi quan sát thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cho thấy sự đảo chiều đi lên kể từ giữa tháng 6.
Thị trường trái phiếu USD vốn cực kỳ nhạy cảm với lãi suất điều hành của FED, nên với xu hướng tạo đáy và đi lên cho thấy khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Ngoài ra, định giá trên thị trường trái phiếu tương ứng với mức lãi suất của Fed là 3,25%, nên dự kiến trong cuộc họp lãi suất sắp tới ngày 22-9, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%.
Tuy nhiên, đó có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay. Và trong bối cảnh nguồn cung sản lượng bắp khó có khả năng đảo chiều do vấn đề thời tiết, dự kiến giá bắp sẽ phục hồi trong thời gian tới. Rủi ro chỉ thực sự tăng lên với thị trường nếu Fed tiếp tục tuyên bố sẽ duy trì tốc độ tăng lãi suất như hiện tại.