Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil, đồng thời là quốc gia sản xuất cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 680.000ha, và sản lượng trên dưới 30 triệu bao mỗi năm.
Về xuất khẩu, Việt Nam cũng đứng thứ hai thế giới sau Brazil, và là thị trường tiêu thụ cà phê lớn trong top 10 thế giới. Mùa vụ 2021-2022 hiện tại, nông dân trồng cà phê tương đối phấn khởi khi ngành cà phê có thể xem như vừa được mùa, vừa được giá.
Vì sao giá tăng liên tục suốt 14 tháng?
Theo báo cáo mới nhất (ngày 17-12-2021) của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Việt Nam mùa vụ 2021-2022 dự báo đạt khoảng 31,1 triệu bao, tương ứng tăng 7,2% so với mức 29 triệu bao của mùa vụ trước.
Vì sao giá tăng liên tục suốt 14 tháng?
Theo báo cáo mới nhất (ngày 17-12-2021) của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Việt Nam mùa vụ 2021-2022 dự báo đạt khoảng 31,1 triệu bao, tương ứng tăng 7,2% so với mức 29 triệu bao của mùa vụ trước.
Trong khi đó, mùa vụ năm nay chứng kiến giá cà phê tăng liên tục do gián đoạn nguồn cung trên phạm vi thế giới. Giá cà phê nhân xô nội địa ngày 29-12-2021 giao dịch quanh mức 41 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 37% so với mức giá thấp nhất của mùa vụ trước.
Nguyên nhân do giá cà phê trên thế giới tăng rất mạnh. Trên sàn ICE EU, giá cà phê Robusta tại ngày 29-12-2021 khoảng 2.350 USD/tấn, tương ứng tăng 105% so với mức giá thấp nhất của mùa vụ 2020-2021. Cà phê Arabica (cà phê chè) thậm chí còn tăng mạnh hơn với mức giá được giao dịch trên sàn ICE US ngày 29-12-2021 khoảng 226 cent/pound, tương ứng tăng 144% so với mức thấp nhất của mùa vụ trước. Hiện tại, đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 12 năm qua trên thị trường cà phê.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 đạt 167,5 triệu bao, tương ứng giảm 4,8% so với sản lượng niên vụ 2020-2021. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng nhẹ 0,9% lên mức 164,9 triệu bao. Tồn kho cuối vụ 2021-2022 dự kiến khoảng 30 triệu bao, tương ứng giảm khoảng 17,4% so với vụ trước. Tỷ lệ tồn kho so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 18,2%. Như vậy, có thể thấy tuy sản lượng giảm, nhưng vẫn thặng dư so với nhu cầu tiêu thụ.
Như vậy nguyên nhân tăng giá mạnh mẽ của cà phê thực ra đến từ các yếu tố gây nên việc gián đoạn nguồn cung như: dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Brazil từ cuối năm 2020 kéo dài đến giữa năm 2021, tiếp theo đến lượt dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam từ giữa năm 2021 đến nay, chi phí vận chuyển tăng do giá cước tàu biển tăng mạnh kèm theo việc thiếu hụt container chở hàng trên phạm vi toàn cầu.
Các yếu tố dẫn dắt xu hướng giá thời gian tới
Giá cà phê Arabica có độ nhạy so với diễn biến thời tiết và sản lượng sản xuất hơn so với giá cà phê Robusta. Cụ thể, giá Arabica thường tăng/giảm đón đầu khi có các thông tin ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản xuất của mùa vụ tiếp theo, và thời gian đón đầu có thể từ 4-8 tháng. Việc ký hợp đồng mua bán giữa các đối tác thương mại đối với khối lượng cà phê của mùa vụ cũng thường hoàn thành 80% trước khi mùa vụ thu hoạch cà phê bắt đầu. Do đó, giá Arabica có sự tương quan nghịch cao đối với sản lượng sản xuất của mùa vụ tiếp theo.
Do tập quán đón đầu này, nên có thể nói rằng giá cà phê hiện tại đã phản ánh các yếu tố sản lượng sản xuất giảm và thiếu hụt nguồn cung cấp trong giai đoạn vừa qua. Nếu như các dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh dần khả quan, việc gián đoạn nguồn cung sẽ không còn là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của cà phê nữa, thì khi đó giá sẽ giảm nhanh tương tự như trong giai đoạn tăng giá.
Ngoài yếu tố sản lượng, giá Arabica còn liên quan tới diễn biến sức mạnh đồng real của Brazil so với sức mạnh đồng USD. Trong khi đó, đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng giá khi Fed tiến dần tới thời điểm tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Như vậy, yếu tố tỷ giá cũng gây áp lực lên giá cà phê Arabica trong thời gian tới.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta có đặc điểm tương quan nghịch cao đối với sản lượng sản xuất của loại cà phê này. Trong khi đó, sản lượng vụ 2021-2022 theo dự báo tăng so với vụ trước. Tuy nhiên, do hoạt động thu hoạch cà phê ở Việt Nam (quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất) bị gián đoạn bởi tình hình dịch bệnh tại các tỉnh vùng trồng cà phê, cũng như tại TPHCM (cửa ngõ xuất khẩu cà phê ra thế giới), nên giá cả tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh không còn gây cản trở nguồn cung, khi đó giá cũng sẽ giảm nhanh tương tự như khi tăng giá.