Gia công phần mềm là lao động R&D

(ĐTTCO) - Trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đến năm 2020 và định hướng đến 2025, có mục tiêu xây dựng 2-3 khu CNTT tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM theo mô hình Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). ĐTTC đã trao đổi với ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG (ảnh), Giám đốc QTSC, về những trăn trở trong phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

(ĐTTCO) - Trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đến năm 2020 và định hướng đến 2025, có mục tiêu xây dựng 2-3 khu CNTT tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM theo mô hình Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). ĐTTC đã trao đổi với ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG (ảnh), Giám đốc QTSC, về những trăn trở trong phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, mới đây Chính phủ đã quyết định thành lập khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Cùng với quyết định thành lập chuỗi QTSC trước đó, sẽ tạo ra giá trị lớn cho ngành CNTT Việt Nam nói riêng, ngành công nghiệp phần mềm nói chung? 

Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG: - Việc thành lập chuỗi QTSC có thể xem là bước ngoặt lịch sử của QTSC trong quá trình phát triển. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho QTSC mở rộng ở những địa điểm phù hợp khác trong cả nước mà còn giúp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm ở những địa phương có mong muốn thành lập các công viên phần mềm. Tôi tin rằng nếu chúng ta triển khai thành công chuỗi QTSC sẽ có tác động rất lớn và tạo ra những ảnh hưởng mạnh góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

 Qua 15 năm phát triển, QTSC đã khẳng định được thương hiệu ngành CNTT của Việt Nam khi thu hút được những tên tuổi lớn của thế giới như HP (Hoa Kỳ), KDDI, Hitachi (Nhật Bản)… Ngoài những ưu đãi chung về thuế, chi phí, các hỗ trợ theo quy định chung của Nhà nước và TPHCM, một trong những lợi thế được các DN, nhà đầu tư quan tâm đến QTSC là những dịch vụ hỗ trợ đi kèm chuyên biệt dành cho DN phần mềm như mức độ sẵn sàng về hạ tầng viễn thông, internet... Nổi bật chính là dịch vụ 1 cửa, hỗ trợ, cung cấp miễn phí cho nhà đầu tư, DN nội khu theo tiêu chuẩn ISO 9001, như hỗ trợ thủ tục thành lập DN, đăng ký đầu tư và các hoạt động hỗ trợ sau cấp phép (thủ tục con dấu, tuyển dụng nhân sự, gia hạn visa, giấy phép lao động người nước ngoài, bổ sung kinh doanh…), đã tạo niềm tin và rút ngắn thời gian thủ tục hành chính. Đến nay, QTSC đã hỗ trợ 1.147 lượt nhà đầu tư, DN, số lượt hỗ trợ tăng dần qua các năm khẳng định sự tin tưởng về chất lượng dịch vụ tại QTSC.

Một lợi ích nữa là sự liên kết giao lưu, chia sẻ những thông tin cùng hợp tác kinh doanh trong cộng đồng DN CNTT tại QTSC. QTSC hỗ trợ DN trong hoạt động truyền thông, phát triển thương hiệu, gắn kết cộng đồng, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh thông qua các CLB CEO, CLB Nhân sự, CLB Nhà đầu tư, các hội thảo chuyên đề. Năm 2016, QTSC và các DN CNTT đã ra mắt Liên minh các công ty gia công phát triển phần mềm Việt Nam (Vietnam IT Outcourcing Alliance), mục tiêu nhằm triển khai các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu ngành gia công phần mềm Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới.

- Chiến lược phát triển CNTT của Việt Nam có nên dựa vào lĩnh vực gia công phần mềm, thưa ông?

- Liên tiếp các năm 2014, 2015 Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về tiềm năng xuất khẩu phần mềm, Hà Nội và TPHCM nằm trong top 20 TP hấp dẫn nhất về xuất khẩu phần mềm. Gần đây, tháng 2-2016, Gartner đã xếp Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương về gia công, xuất khẩu phần mềm bên cạnh các cường quốc như Ấn Độ. Đây là tín hiệu tốt không chỉ cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam mà còn với QTSC, vì hầu hết DN phần mềm hoạt động tại QTSC đều hướng đến hoạt động xuất khẩu và gia công phần mềm.

Thị trường gia công phần mềm toàn cầu hiện nay đạt quy mô 300 tỷ USD và sẽ tăng trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Nói về gia công phần mềm người ta thường đánh đồng như gia công giày dép, quần áo… Bản chất công việc này đã bao hàm yếu tố R&D (nghiên cứu và phát triển) và là một trong những ngành có giá trị gia tăng rất cao. Ngành này phụ thuộc vào con người nên nghiên cứu đã là 1 phần trong quá trình phát triển phần mềm. Vấn đề là làm sao tăng hàm lượng nghiên cứu ngày càng nhiều hơn, sâu hơn.

- Khi Việt Nam hội nhập sâu nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thách thức từ TPP, FTA, các DN CNTT sẽ đón nhận điều này như thế nào?

- Khó khăn lớn nhất của DN tại QTSC và Việt Nam chính là chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian qua, các DN tại QTSC đều không tuyển đủ nguồn nhân lực như kế hoạch. Do đó, trong thời gian tới nếu chúng ta không phát triển những ngành mang giá trị gia tăng cao như công nghiệp phần mềm, chắc chắn sẽ thua thiệt trong quá trình hội nhập sâu rộng. Trong đó, Hiệp định TPP sẽ tạo ra thách thức rất lớn đối với DN phần mềm Việt Nam, đó là việc tuân thủ luật chơi chung toàn cầu mang tính khắc nghiệt hơn nhiều so với WTO, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khả năng thu hút và giữ nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Với 12 quốc gia thành viên và 800 triệu dân, TPP chắc chắn giúp DN phần mềm Việt Nam mở rộng thị trường, tạo thêm cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, internet, các hoạt động thương mại điện tử… nhất là thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.

- Hiện vấn đề giá đất rẻ và chính sách khu CNTT tập trung đã bão hòa và không còn lợi thế riêng của Việt Nam. QTSC cần thực hiện chính sách gì thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư tham gia chuỗi công viên phần mềm, thưa ông?

- Chúng ta không thể trông chờ sự thay đổi từ các trường đại học về chất lượng nguồn nhân lực mà phải chủ động hơn. Cụ thể, tổ chức những hoạt động kết nối giữa nhà trường với DN để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc khi ra trường. Chúng tôi còn tổ chức những buổi hướng nghiệp, tham quan các công ty phần mềm để giúp bạn trẻ định hướng nghề trong tương lai. Bên cạnh đó, QTSC đang vận động những nguồn quỹ, những hỗ trợ của Nhà nước và DN thông qua những khóa đào tạo ngắn hạn để giúp DN tăng năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đang cùng các DN nghiên cứu thành lập trung tâm chuyên giúp các bạn trẻ học ngành CNTT có môi trường thực tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường để giúp nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc thật sự của DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác