“Mắc kẹt” trong biên độ hẹp
Điều này dễ hiểu trong bối cảnh số trường hợp nhiễm Covid-19 đang tăng lại ở mức báo động ở châu Âu, khiến một số nước như Anh đã tiến hành các biện pháp thắt chặt khẩn cấp và đang tranh cãi về khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa. Điều này đồng nghĩa, tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ phải chậm lại, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu. Vì vậy, có người nói giá dầu bị cũng bị “nhiễm Covid” quả không sai.
Tâm lý của giới kinh doanh dầu đã bắt đầu chuyển biến xấu trong mấy tuần gần đây. Nếu không có sự kiện bão ở vịnh Mexico làm gián đoạn khoảng 17% sản xuất dầu của Mỹ ở khu vực này, có thể giá dầu đã trượt xuống dưới mức 38USD/thùng. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng mức giá dầu 40USD/thùng không bền vững với dòng tin tức tiêu cực về số ca bệnh Covid-19 và triển vọng hồi phục chậm chạp của kinh tế toàn cầu.
Dự báo tỷ trọng nguồn năng lượng từ dầu thô sẽ giảm dần trong 3 thập niên tới.
(Nguồn: Báo cáo Energy Outlook 2020 của BP).
(Nguồn: Báo cáo Energy Outlook 2020 của BP).
Tuy nhiên, đây chỉ là những diễn biến ngắn hạn, về dài hạn vẫn có những lực cản nhất định với nhu cầu tiêu thụ dầu, cho dù Covid-19 không còn đáng lo nữa trong năm sau. Đó là vấn đề thay đổi trong cấu trúc tiêu thụ dầu của các nền kinh tế, như công ty dầu khí hàng đầu thế giới BP lo ngại: nhu cầu tiêu thụ dầu đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu đi xuống.
Nỗi lo nhu cầu dầu thô giảm
Nỗi lo nhu cầu dầu thô giảm
Trong một báo cáo Energy Outlook 2020, BP dự báo nhu cầu tiêu thụ của dầu thô đã đạt đỉnh, đang có sự thay đổi mang tính cấu trúc trong xu thế tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Theo báo cáo này, BP dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm 10% trong thập niên tới và 50% trong vòng 20 năm nữa. Với việc nhiều công ty hướng tới mục tiêu không thải ra khí carbon, nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm chỉ là vấn đề thời gian. Cùng với than, dầu thô đang là loại năng lượng bị cắt giảm.
Giá dầu “mắc kẹt” trong biên độ hẹp.
Xu thế này đã diễn ra từ trước Covid-19, nhưng dịch bệnh đang làm xu thế làm việc tại nhà tăng lên, giảm nhu cầu di chuyển những chặng đường xa để đến nơi làm việc. Một báo cáo gần đây của hãng kiểm toán và tư vấn KPMG, cho thấy gần 40% số việc làm của Mỹ có thể làm việc ở nhà. Báo cáo này chỉ ra 3 thứ sẽ giảm trong xu thế sử dụng xe của người Mỹ: đi lại ít chuyến hơn, mỗi chuyến đi sẽ ngắn lại và trên đường sẽ ít xe hơn. Theo ước tính của báo cáo này, khoảng 14 triệu xe hơi “biến mất vĩnh viễn” trên các tuyến đường của Mỹ.
Số xe giảm, số km lái xe giảm tức nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng giảm. 2 xu thế của thời đại cùng lúc tác động xấu đến nhu cầu sử dụng dầu thô: người ta di chuyển ít hơn và nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo thay cho dầu thô và than. Điều đó cho thấy tương lai của giá dầu không mấy tươi sáng. Nhiều nhà phân tích cũng dự đoán việc giá dầu có thể quay lại trên 60USD/thùng hay không vẫn là điều chưa thể biết, đừng nói đến mức 100USD/thùng ở giai đoạn đầu thập niên 2010.
Điều này có hàm ý rất quan trọng với các công ty trong lĩnh vực dầu khí. Nếu giá dầu duy trì trong mức 40-60USD/thùng trong thời gian dài, liệu các công ty dầu khí có tạo ra đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động như trước đây? Nếu các công ty dầu khí lớn phải thu hẹp các hoạt đầu thăm dò và giảm chi tiêu đầu tư vốn (CAPEX), điều gì sẽ xảy ra cho ngành công nghiệp dầu khí? Đâu sẽ là lối ra cho các công ty dầu khí lớn.
Cho đến nay, có 2 xu thế có thể quan sát được. Thứ nhất, nhóm các công ty dầu khí lớn ở châu Âu, như BP và Shell đang chuyển dần đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo, thông qua các hoạt động vừa đầu tư mới vừa mua lại và thâu tóm các công ty trong lĩnh vực năng lượng mới. Thứ 2, nhóm các công ty dầu khí lớn của Mỹ vẫn tiếp tục con đường truyền thống. Họ tin rằng giá dầu sẽ hồi phục lên trên 60USD/thùng vì nhu cầu sử dụng dầu thô không thể giảm ngay được, nhất là khi kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, các chính phủ sẽ phải cắt các khoản trợ giá và vốn đầu tư hạ tầng cho nguồn năng lượng tái tạo vốn dĩ vẫn đắt đỏ.
Ở thời điểm hiện tại, không biết ai sẽ đúng. Nhưng cho dù là ai đúng, khả năng cao giá dầu không thể vọt lên ngay trở lại mức 60USD/thùng của đầu năm 2020, ngay cả trong trường hợp mức hồi phục GDP quý III của Mỹ có thể lên đến trên 35%. Con số hồi phục kinh tế ấn tượng người ta mong đợi trong quý III của Mỹ, Đức và châu Á là cứu cánh giới đầu tư mua dầu đặt hy vọng vào. Tuy nhiên, cho dù như vậy, giá dầu cũng sẽ khó bay cao khi dự kiến sau đợt hồi phục mạnh của quý III là đợt tăng trưởng chậm chạp của quý IV. Giá dầu vì vậy được dự đoán sẽ ít biến động hơn nhiều so với giai đoạn “điên rồ” của đầu năm nay, lúc giá dầu về số âm.
Tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ phải chậm lại, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu. Vì vậy, có người nói giá dầu bị cũng bị “nhiễm Covid” quả không sai. |