Dow đóng cửa giảm gần 200 điểm
Khép phiên, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất 195,74 điểm, tương đương 0,56%, kết thúc ở mức 34.641,97. S&P 500 giảm 0,42%, xuống 4.496,83. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,08% còn 14.020,95.
Giá dầu tăng vọt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Hoa Kỳ tiến hơn 1% và giao dịch trong thời gian ngắn vượt mức 87 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Tin tức này đã giúp thúc đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng, với lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 tăng 0,5%. Cổ phiếu của Halliburton và Occidental Petroleum mỗi hãng đều cộng hơn 2%, trong khi cổ phiếu EOG Resources nhích 1,8%. Đà tăng giá dầu đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu các hãng hàng không và du lịch, trong đó cổ phiếu American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines và Carnival lần lượt giảm hơn 2%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc cũng nhảy vọt, gây ảnh hưởng tiêu cực cho các tài sản rủi ro. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 9 điểm cơ bản lên khoảng 4,27%.
Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, cho biết: “Nếu giá dầu tăng thì có thể gây ra lạm phát.”
Một lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ số S&P Small Cap 600 giảm gần 3%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2023. Chỉ số S&P Midcap 400 sụt khoảng 2,3% và chỉ số Russell 2000 mất 2,1%.
Vào cuối tuần nghỉ lễ dài ngày, Goldman Sachs đã hạ dự báo tỷ lệ suy thoái xuống 15% và dự đoán Fed sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
Mặc dù đây có thể được xem là tin tốt cho thị trường nhưng các nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với hiệu ứng theo mùa trong tháng 9, theo lịch sử là tháng có hoạt động yếu nhất đối với thị trường chứng khoán.
Chắc chắn, một số chỉ báo kỹ thuật đã mang lại hy vọng cho nhà đầu tư trong những ngày gần đây. Trong dấu hiệu của đà tăng ngắn hạn tích cực, các chỉ số chính đã vượt lên trên đường trung bình động 50 ngày vào tuần trước.
Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent kỳ hạn tiến 1,04 USD, tương đương 1,2%, đạt 90,04 USD/thùng, khép phiên trên mốc 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 16/11/2022. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 10 nhích 1,14 USD, tương đương 1,3%, đạt mức 86,69 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong 10 tháng.
Các nhà đầu tư đã kỳ vọng Ả Rập Saudi và Nga sẽ gia hạn cắt giảm tự nguyện đến tháng 10, nhưng việc gia hạn thêm 3 tháng nữa là khá bất ngờ.
Jorge Leon, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy cho biết: “Những động thái tăng giá này thắt chặt đáng kể thị trường dầu mỏ toàn cầu và chỉ có thể dẫn đến một điều: giá dầu cao hơn trên toàn thế giới.”
Cả Ả Rập Saudi và Nga cho biết họ sẽ xem xét việc cắt giảm nguồn cung hàng tháng và có thể sửa đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Phản ánh mối lo ngại về nguồn cung thị trường trong ngắn hạn, các hợp đồng dầu Brent và WTI giao ngay cũng được giao dịch ở mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 11 so với hợp đồng giao sau. Cấu trúc này, được gọi là bù hoãn bán (backwardation), cho thấy nguồn cung đang khan hiếm.
Cũng góp phần hỗ trợ giá dầu vào thứ Ba, Goldman Sachs cho biết hiện ngân hàng này nhận thấy khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ bắt đầu trong 12 tháng tới là 15%, giảm so với dự báo trước đó là 20%.
Cùng với việc cắt giảm nguồn cung của Saudi, bắt đầu vào tháng 7, triển vọng nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái kinh tế nặng nề đã giúp nâng cao nhu cầu và giá dầu trong những tháng gần đây.\
Cả giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 6.