Giá dầu thế giới "đỏng đảnh" khó đoán

(ĐTTCO) - Giá xăng dầu trở lại trái chiều đầu phiên với giá dầu Brent tăng vượt mức 87USD/thùng, dầu WTI giảm nhẹ xuống sát mức 83USD/thùng.
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-4, giá dầu tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng do dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Giá dầu tăng bất chấp sự gia tăng nhỏ trong trữ lượng dầu thô của Mỹ.

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,72USD, tương đương 2,01%, lên mức 87,33USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, trong khi giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa tăng 1,73USD, tương đương 2,1%, lên mức 83,26USD/thùng, mức cao nhất trong 5 tháng. Giá dầu cũng đã tăng khoảng 2% ở phiên trước đó.

Đồng USD giảm mạnh sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, điều này đã hỗ trợ giá dầu tăng tốc sau cú giảm tốc đầu phiên.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết quỹ phòng hộ đã mua dầu kỳ hạn trên thị trường trong vài ngày qua với dự đoán nhu cầu sẽ cải thiện.

Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 7-4 tăng khiêm tốn 600.000 thùng. Tuần trước đó, tồn kho dầu giảm 3,7 triệu thùng. Sự tăng nhẹ trong dự trữ dầu này đã nâng tổng số dầu trong kho hiện tại của Mỹ lên 470,5 triệu thùng.

Ngược với sự tăng của tồn kho dầu, tồn kho xăng của Mỹ giảm 300.000 thùng, tồn kho các sản phẩm chưng cất bậc trung cũng giảm 600.000 thùng.

Trước đó, dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 377.000 thùng thay vì giảm 1,3 triệu thùng như dự báo của các nhà phân tích. Tồn kho xăng của Mỹ tăng 450.000 thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 1,98 triệu thùng.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm vào nửa cuối năm 2023, điều này sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn, Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết.

Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, Scott Sheffield, cho biết nếu giá dầu vượt 90 USD/thùng, thì giá có thể sẽ đạt 100 USD/thùng trong năm nay.

Trong một diễn biến tiêu cực đối với nhu cầu dầu mỏ, Quỹ Tiền tệ quốc tế ngày 11-4 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023, với lý do tác động của lãi suất cao hơn.

Thực tế, giá dầu thế giới phụ thuộc rất lớn vào biến động địa chính trị, nên không ngạc nhiên khi dự báo của các tổ chức quốc tế về thị trường nhiên liệu này liên tục thay đổi.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent năm 2023 tương đối ổn định quanh mức 85 USD/thùng trong quý II, sau đó giảm từ quý III cho đến cuối năm 2024. Theo đó, mỗi thùng dầu Brent sẽ có giá bình quân 83 USD năm nay và giảm về 79 USD vào năm 2024 do lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tăng.

Giá dầu thô WTI (giá tham chiếu của Mỹ) cũng có diễn biến tương tự, ở mức trung bình 77USD/thùng trong năm 2023 và 72USD/thùng trong 2024. Tuy nhiên, những diễn biến mới từ động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc và mạnh tay cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân của chính quyền Bắc Kinh, đã khiến giới phân tích cho rằng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc mạnh.

Tổ chức Goldman Sachs trong báo cáo vừa công bố đưa ra dự báo giá dầu sẽ vượt 100 USD một thùng trong năm nay và nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,7 triệu thùng/ngày, dẫn tới nguy cơ thị trường thiếu cung vào nửa sau của năm nay.

Goldman Sachs cho rằng nếu giá dầu yếu hơn dự báo, OPEC+ (Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và một số thành viên ngoài khối gồm Nga) sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, hoặc giảm nhiều hơn để giữ giá dầu.

Thị trường hiện đang chờ đợi sự rõ ràng về cung và cầu dầu, với các báo cáo hằng tháng từ OPEC và IEA.

Các tin khác