Phiên giao dịch ngày 17-3 đánh dấu cột mốc giá dầu thô thấp nhất 6 năm qua, trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình dự trữ dầu tại cường quốc này. Sang phiên 18-3, giá dầu Hoa Kỳ lại bắt đáy mới trước đồn đoán dự trữ dầu nội địa đạt kỷ lục, trong khi giá dầu Brent giảm tiếp 0,8%.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Hoa Kỳ (WTI) giao tháng 4 giảm 42 xu, xuống 43,46USD/thùng, mức thấp của 6 năm qua. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5 đóng phiên ở mức 53,51USD/thùng, giảm 43 xu. Trước đó, đã có thời điểm giá dầu WTI giảm xuống 42,63USD/thùng. Kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg cho thấy, thị trường dự đoán trong tuần kết thúc vào ngày 13-3, dự trữ dầu của Hoa Kỳ tăng 3,3 triệu thùng, lên mức 452,2 triệu thùng.
Con số này liên tiếp tăng trong 9 tuần trở lại đây, khi sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ không ngừng tăng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tồn kho dầu Hoa Kỳ đang ở mức kỷ lục trong 80 năm qua, trong khi sản lượng dầu tiếp tục tăng. Thông thường, nhu cầu dầu vào thời điểm này trong năm thường giảm khi các nhà máy lọc dầu tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ.
Gene McGillian, chuyên gia thuộc Công ty Tradition Energy ở Stamford, nhận định thị trường Hoa Kỳ đang tràn ngập dầu và các mỏ dầu khác trên thế giới cũng không chịu cắt giảm sản lượng. “Câu hỏi đặt ra là Hoa Kỳ có thể tích trữ thêm bao nhiêu dầu nữa trước khi các bể chứa đầy ắp” - McGillian nói. Bluenight Energy Partners, một công ty cung cấp bể chứa dầu ở Cushing, Hoa Kỳ, cho biết các bể chứa của công ty này tại đây có thể sẽ gần đầy dầu trong thời gian từ tháng 4 đến giữa tháng 5.
Giá dầu liên tiếp lập đáy mới trong 6 năm. |
Giá dầu thế giới đã giảm trở lại trong vòng 2 tuần trở lại đây do những lo ngại mới về tình trạng thừa dầu do sản lượng khai thác dầu tại Libya tăng lên mức khoảng 490.000 thùng/ngày, cao gấp đôi so với mấy tuần gần đây, cùng với việc Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng. Theo ước tính của Ngân hàng Societe Generale của Pháp, lượng dầu tồn kho của thế giới đang tăng 1,6 triệu thùng/ngày và sẽ đạt 1,7 triệu thùng/ngày vào quý II năm nay.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng việc số giàn khoan dầu hoạt động ở Hoa Kỳ giảm xuống sẽ chỉ khiến sản lượng khai thác dầu của nước này giảm nhẹ trong quý II năm nay. Chưa kể việc Hoa Kỳ và Iran đang nhích gần tới thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Một khi thỏa thuận này được ký kết, các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran sẽ được dỡ bỏ, cho phép Iran tăng mạnh xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới. Lúc đó, giá dầu nhiều khả năng sẽ còn giảm mạnh.
Giá dầu thấp sẽ tạo ra 2 mặt. Đối với các nước phải nhập khẩu năng lượng, đây là cơ hội để tăng trưởng. Điều này được thấy rõ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Nhà kinh tế trưởng Howard Archer của IHS Global Insight nhận xét những tác động tích cực của việc giá dầu thấp cùng với đồng EUR giảm giá mang lại sức cạnh tranh tốt hơn và gói kích cầu lớn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã củng cố niềm tin về việc tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ nâng lên 1,6% trong năm 2015.
Tuy nhiên, đối với các nước xuất khẩu dầu thô, giá dầu xuống thấp sẽ làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế-xã hội. Việc giá dầu giảm kéo dài sẽ buộc chính phủ các nước này phải cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến khu vực tư nhân và làm giảm lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng thương mại. Lợi ích tài chính dành cho người lao động dưới hình thức tăng lương và trợ cấp xã hội đương nhiên bị ảnh hưởng, và hậu quả của việc này là không thể lường trước...