Giá đồng có thể lên đến 15.000USD mỗi tấn

(ĐTTCO) - Mặc dù thời điểm quý I hàng năm thường có nhu cầu tiêu thụ thấp đối với các kim loại cơ bản như đồng, nhưng giá mặt hàng này đang nằm trong xu hướng tăng trên các sàn giao dịch ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Khó duy trì đà tăng trong vài tháng tới

Lượng tồn kho kim loại đồng trên sàn LME đã giảm hơn 25% kể từ đầu năm, cũng góp phần vào hỗ trợ xu hướng tăng gần đây của giá đồng. Tuy nhiên, đà tăng của giá đồng trong năm nay khó kéo dài. Bởi kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ của năm 2024 thiếu tích cực.

Theo dự báo của Bộ Công nghiệp Úc, tiêu thụ dự kiến chỉ tăng trưởng 0,7%, tương đương tăng 203.000 tấn so với mức 27,73 triệu tấn của năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung đồng tinh chế được dự báo đạt 28,07 triệu tấn, tức tăng 499.000 tấn so với năm ngoái. Theo đó, cán cân cung - cầu năm nay được dự báo thặng dư 141.000 tấn. Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn, với con số dự báo dư thừa 467.000 tấn.

Nguyên nhân các tổ chức đưa ra dự báo dư thừa, là bởi yếu tố không chắc chắn đối với nhu cầu trong ngắn hạn 12 tháng tới. Mặc dù nhu cầu về kim loại đồng để sản xuất xe điện, trạm sạc, thiết bị lưu trữ năng lượng, hệ thống năng lượng gió và mặt trời cũng như toàn bộ lưới điện dự kiến sẽ tăng trong trung hạn vài năm tới, nhưng quan sát hiện tại cho thấy các dự án phía hạ nguồn tiêu thụ đồng đang trì hoãn.

dong1-5370.jpg

Hiện các nhà sản xuất ô tô như Ford và GM đều có kế hoạch giảm tốc độ đầu tư và triển khai các công nghệ mới. Nhu cầu về xe điện có thể cần nhiều thời gian hơn để tăng trưởng. Song nhu cầu tiêu thụ đối với kim loại này trong tương lai có tiềm năng tăng trưởng rất chắc chắn, với sự xuất hiện như vũ bão của các công nghệ mới và tần suất cải tiến kỹ thuật liên tục, đều chỉ ra sự cần thiết có mặt của nguyên tố đồng.

Tuy nhiên, yếu tố cản trở duy nhất là bài toán biên lợi nhuận trong bối cảnh các ngân hàng trung ương sử dụng lãi suất cao, với chủ đích làm kìm hãm nhu cầu để kiềm chế lạm phát.

Trong khi câu chuyện duy trì tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và EU đang gặp vấn đề với lãi suất cao, thì ở Trung Quốc thậm chí còn đáng lo hơn. Quốc gia chiếm hơn phân nửa nhu cầu tiêu thụ đồng của thế giới này, đã rơi vào giảm phát kể từ tháng 6-2023 cho đến nay. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn là khu vực tiêu thụ đồng lớn nhất đang gặp khó khăn.

hang-hoa1-3706.jpg

Giá nhà và doanh số bán nhà hiện đã giảm kể từ sau đợt tăng giá nhờ các gói kích thích của những tháng trước. Đầu tư cơ sở hạ tầng sụt giảm, càng cho thấy lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề, điều này cuối cùng đè nặng lên các kim loại công nghiệp, do đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn nhất. Mặc dù Trung Quốc đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ các nhà phát triển tiếp cận nguồn tài chính và giảm lãi suất thế chấp, nhưng các công ty bất động sản vẫn không trả được nợ.

Nhưng sẽ thiếu hụt nguồn cung trong trung hạn

Công ty khai thác First Quantum Minerals đã ngừng sản xuất tại mỏ Cobre Panama (một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 1,5% nguồn cung đồng toàn cầu), sau phán quyết của Tòa án Tối cao và các cuộc biểu tình trên toàn quốc về các vấn đề môi trường vào tháng 11-2023. Ngoài ra, một nhà sản xuất lớn khác là Anglo American, cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng đồng vào năm 2024 và 2025 để tìm cách cắt giảm chi phí.

Bên cạnh đó, xu hướng đóng cửa các mỏ đồng ở Peru có thể lan rộng do các vấn đề về quy định tiêu chuẩn môi trường, vận hành và địa kỹ thuật, lỗi thiết bị, thời tiết bất lợi đang dẫn tới dự báo nguồn cung cấp tinh quặng trì trệ cho tới tận năm 2028. Do đó, đa số các tổ chức lớn như Ngân hàng Saxo, Goldman Sachs, Fitch Solutions, Citi Group, S&P Global… đều có nhận định tích cực cho giá đồng trong trung hạn.

Hãng S&P Global dự báo, các nhà máy luyện đồng sẽ chứng kiến tình trạng thiếu nguồn cung tinh quặng bắt đầu từ cuối năm 2024, và mức thâm hụt được dự báo trên thị trường tinh quặng dự kiến sẽ trở nên trầm trọng vào giai đoạn 2025-2027. Thiếu hụt nguồn cung có nghĩa là các nhà máy luyện đồng mới đi vào hoạt động sẽ thiếu nguồn nguyên liệu tinh quặng để hoạt động.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá đồng cuối năm 2024 có thể đạt mức 10.000 USD/tấn, khi tình trạng thiếu hụt tinh quặng bắt đầu nhận diện rõ. Năm 2025, giá đồng có thể lên tới mức 15.000 USD/tấn do thiếu hụt trầm trọng.

Trong khi đó, Citi Group liệt kê các nguyên nhân tăng giá trong nửa sau năm 2024 như: nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu chỉ hạ cánh mềm trong khoảng 6 tháng chứ không đi vào suy thoái, nên sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu diễn ra sớm hơn; bên cạnh sự nới lỏng đáng kể của Trung Quốc; và quan trọng nhất là làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 gần đây, đã có hơn 60 quốc gia ủng hộ kế hoạch tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, một động thái mà các nhà quan sát cho rằng sẽ cực kỳ lạc quan đối với đồng trong vài năm tới.

Các tin khác