Theo đó, kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận top 5 khó khăn cộng đồng các doanh nghiệp VNR500 đang gặp phải bao gồm: (1) biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào, (2) cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành, (3) rủi ro từ chuỗi cung ứng, (4) sức ép đến từ tỷ giá gia tăng và (5) nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.
Trong đó, biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào đang là khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Theo thống kê mới nhất, 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, chỉ số nhập khẩu cũng tăng rất cao đạt mức 10,7% so với cùng kỳ 2021, trong đó nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chiếm 90%.
Giá năng lượng và nguyên liệu tăng đang đè nặng các doanh nghiệp
Việc phụ thuộc quá vào nhập khẩu đã khiến các doanh nghiệp gặp phải trở ngại rất lớn đến từ giá nguyên liệu sản xuất.
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 78,8% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đối với chi phí nguyên vật liệu, trong đó có đến 19,7% số doanh nghiệp báo cáo khoản chi này đã tăng lên đáng kể. Gần 50% số doanh nghiệp dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí có đến 38% số doanh nghiệp cho rằng còn kéo dài sau năm 2023.
Tại thời điểm cách đây một năm, phần lớn các chuyên gia tham gia phỏng vấn của Vietnam Report cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện khi bước sang quý II-2022. Tuy nhiên, các bất ổn chính trị thế giới mới nảy sinh cũng như chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc đã khiến cho 77,9% số doanh nghiệp lo ngại về rủi ro chuỗi cung ứng hơn, có thể kéo dài sang năm 2023 và cả sau đó.
Báo cáo của Vietnam Report nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phức tạp, đầy biến động khó lường vượt qua khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, chặng đường tăng trưởng và phục hồi lại càng trở nên dốc hơn. Doanh nghiệp vừa phải tiếp tục đối mặt với những hậu quả từ đại dịch gây ra, vừa phải xử lý những khó khăn mới từ giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu tăng cao, rủi ro chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với các nước trên thế giới lớn, cùng với những dự báo nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.