Liệu giá xe đã chạm đáy hay chỉ là bước dạo đầu cho một cuộc đua mới? Thị trường ô tô Việt Nam đang gặp thách thức khi hầu hết người tiêu dùng đều có tâm lý đợi chờ sự rõ ràng về chính sách vào năm 2018 - cột mốc quan trọng thuế nhập khẩu của các mẫu xe từ ASEAN sẽ không còn.
Giảm giá chưa từng thấy
Cơ cấu giá thành xe tại Việt Nam hiện nay gồm thuế phí, chi phí sản xuất, nhập khẩu phụ tùng linh kiện. Theo đó, riêng thuế phí đang chiếm tới 40-50% làm cho giá thành xe tại Việt Nam vào loại cao nhất khu vực và thế giới, dù thời gian qua các hãng xe ồ ạt giảm giá bán. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế |
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô Việt Nam biến động chưa từng có về giá bán. Sau khi công bố giảm hàng trăm triệu đồng cho dòng xe CR-V của hãng ô tô Honda, chỉ trong vòng vài ngày, các đại lý ô tô của Honda đã đón nhận lượng khách đặt xe khá lớn và hầu như không còn xe để bán.
Theo đó, sau lần giảm giá gần 170 triệu đồng/xe đầu tháng 8, dòng SUV Honda CR-V tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh lần nữa vào đầu tháng 9. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, bản cao cấp CR-V 2.4 AT TG đã giảm 280 triệu đồng, bản CR-V 2.4 A.T giảm 330 triệu đồng và bản CR-V 2.0 A.T giảm 220 triệu đồng.
Trước đó, Trường Hải Auto (THACO) cũng đã công bố giảm giá dòng xe Mazda CX-5 xuống dưới 800 triệu đồng, giảm khoảng 200 triệu đồng/xe so với trước đó vài tháng. Cùng lúc, các hãng ô tô như Nissan, Toyota, Chevrolet… cũng công bố giảm từ vài chục đến gần 100 triệu đồng cho nhiều dòng xe lắp ráp trong nước.
Trước đó, Trường Hải Auto (THACO) cũng đã công bố giảm giá dòng xe Mazda CX-5 xuống dưới 800 triệu đồng, giảm khoảng 200 triệu đồng/xe so với trước đó vài tháng. Cùng lúc, các hãng ô tô như Nissan, Toyota, Chevrolet… cũng công bố giảm từ vài chục đến gần 100 triệu đồng cho nhiều dòng xe lắp ráp trong nước.
Không phải tự nhiên các hãng xe đồng loạt công bố giảm giá sâu một số dòng xe lắp ráp trong nước gây sốc cho người tiêu dùng. Theo tiết lộ của một số đại lý ở TPHCM, động thái này để đẩy hàng tồn kho tăng doanh số bán hàng và dọn đường cho dòng xe mới nhập khẩu chuẩn bị về Việt Nam.
Cơn “bấn loạn” của thị trường khiến ô tô mất giá quá nhanh, nhiều khách hàng ngơ ngác như bị mất của. Không ít người than thở vì trót mua xe sớm nên mất tiền oan. Chị Phương Nga, một nữ khách hàng ở quận Tân Phú, TPHCM kể vừa mua chiếc xe trị giá gần 900 triệu đồng cách đây 1 tháng. Đang hưởng cảm giác sung sướng khi mua rẻ hơn những người mua trước mình 2 tháng khoảng 100 triệu đồng. Bỗng dưng một sáng tháng 9, tỉnh dậy mất hơn 100 triệu đồng khi mẫu xe này giảm dưới 800 triệu đồng và chỉ biết trách mình quá vội vàng.
Giá xe giảm mạnh khiến không ít khách hàng mua xe cảm thấy vui mừng, vì có thể sở hữu chiếc xe giá rẻ, tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người thấy xe giảm giá mạnh, lại đắn đo. “Không biết đã xuống đáy chưa”, “Mua rồi vài tuần sau lại thấy giảm tiếp cả trăm triệu thì đau quá”, là những nghi ngờ của không ít khách hàng đi xem xe tại các đại lý ô tô.
Mức tiêu thụ các dòng xe lắp ráp trong nước đang giảm mạnh trước áp lực thông tin thuế tiêu thụ đặc biệt xe ô tô nguyên chiếc, nhập khẩu từ các nước ASEAN về mức 0% vào đầu năm 2018 đã dẫn đến tâm lý chờ đợi của khách hàng. Cùng với đó là tâm lý chuộng xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước của người tiêu dùng đã khiến các xe lắp ráp trong nước thời điểm 2016-2017 rất khó tiêu thụ.
Điều này có thể thấy dòng xe Fortuner và Yaris của Toyota hay một số dòng xe Hyundai nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc đều không giảm giá nhưng vẫn bán khá chạy.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 7-2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 7-2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% so với cùng kỳ.
Còn theo THACO, năm 2017 THACO đặt mục tiêu bán ra 112.020 xe, tương đương năm 2016, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 5.063 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2016 (trong đó xe du lịch 58.384 xe, giảm 8% so với 2016). Nguyên nhân số lượng xe bán ra tương đương nhưng lợi nhuận giảm mạnh của THACO, cho thấy hãng xe nội này đã đánh giá được sự khó khăn của thị trường trong năm nay nên đã quyết định cắt lãi để tăng sản lượng từ những cú hích giảm giá. Giá vẫn còn cao
Trường hợp giảm giá của Honda CR-V gây chú ý nhiều nhất, bởi nhiều thông tin cho rằng họ đang xả hàng tồn kho để chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu vào đầu năm 2018, đổi đời xe mới. Việc các hãng khác đua nhau giảm giá liên tiếp thời gian qua cũng vì hàng tồn kho quá nhiều, phải giảm giá để kích cầu, thậm chí cắt lỗ để duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho nhân viên. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách VAMA |
Xét mặt bằng chung, giá xe tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, một loạt chương trình hạ giá, khuyến mại thời gian gần đây đã kéo giá một số dòng xe xuống mức ngang ngửa, so với quốc gia có thị trường ô tô phát triển như Thái Lan. Tích cực nhất trong chiến dịch giảm giá xe từ đầu năm phải kể đến THACO, với 2 thương hiệu Kia, Mazda. Giảm sâu, giảm liên tục là những gì doanh nghiệp này làm, với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, mẫu crossover đắt khách Mazda CX-5 lập hết đáy này đến đáy khác về giá.
Mức giá gây sốc hồi đầu tháng 9 của CR-V 2.0 khoảng 730-750 triệu đồng (32.000-33.000USD), tương đương với mẫu CR-V thế hệ mới đang bán tại Indonesia và Malaysia.
Ngoài 2 dòng xe có giá bán thấp hơn kể trên, nhiều mẫu xe khác tại Việt Nam hiện cũng không chênh lệch quá nhiều về giá so với các nước ASEAN. Toyota Vios hiện áp dụng giảm giá tại đại lý khoảng 70 triệu đồng, phiên bản 1.5G giá khoảng 552 triệu (24.000USD), ở Thái Lan giá khoảng 22.000USD, trong khi Indonesia hơn 23.000USD. Mazda3 sedan tại Việt Nam có giá 650 triệu đồng (28.000USD) cho bản 1.5 và 760 triệu đồng (33.000USD) cho bản 2.0. Trong khi đó, ở Thái Lan giá khoảng 25.000-29.000USD đối với phiên bản Mazda3 2.0.
Anh Lê Thái Thịnh, chủ salon ô tô cũ ở TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), một người am hiểu thị trường ô tô Việt Nam, cho hay dù các hãng giảm giá nhiều song người Việt đang mua 1 chiếc xe có giá trị thực ít hơn hàng trăm triệu đồng.
Do đó, theo anh đã đến lúc phải đưa giá xe về sát giá trị thực của nó. Anh Thịnh nhẩm tính, xe Mazda CX-5 bản cao nhất hiện được hãng bán tại Việt Nam với giá 899 triệu đồng. Để lăn bánh chiếc CX-5 2.5 số tự động tổng chi phí khoảng 1,019 tỷ đồng, bao gồm cả lệ phí trước bạ, chi phí đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm... Trong khi đó, giá chiếc CX-5 bản cao nhất ở một số nước chỉ 600 triệu đồng. Như vậy, khi về Việt Nam, giá chiếc xe này đã cao hơn lên tới 400 triệu đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực do tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Toyota Việt Nam là hãng xe nội địa hóa nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng 37%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện hiện áp mức từ 15-18%. So với Thái Lan, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn tụt hậu khá xa, nên việc nhập khẩu linh kiện là không tránh khỏi với các đơn vị lắp ráp.
Trong khi đó, những chiếc xe nhập khẩu từ khối ASEAN hiện cũng phải chịu thuế nhập khẩu 30%, khiến xe nhập nguyên chiếc về nước sẽ có giá cao hơn tại Indonesia hay Thái Lan, chưa kể các chi phí kinh doanh khác của doanh nghiệp.
Những cuộc triển lãm ô tô hàng năm tại Việt Nam với tất cả các thương hiệu, đời xe trên toàn cầu đều có mặt, đã thu hút khách tham quan. Ảnh: P. LONG
Người tiêu dùng quyết tâm chờ đợi
4 tháng còn lại của năm 2017, xu hướng giảm giá ô tô sẽ còn tiếp diễn. Bởi, các DN muốn “xử lý nhanh” hàng tồn, thậm chí cố bán cho bằng hết, kể cả bán ra ngoài hệ thống showroom của mình, nhằm giải phóng kho, đón năm mới 2018. VAMA đưa ra dự báo, năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 10% so với 2016. Đây là con số khá thấp, bởi năm 2016, mức tăng trưởng trên thị trường ô tô đạt 24%.
VAMA cho rằng, năm 2017 tiêu thụ ô tô sẽ khó khăn do nhiều khách hàng sẽ tạm dừng mua xe, chờ đợi sang 2018, thuế giảm. Với xe nhập khẩu tình hình cũng không sáng sủa. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung trong 8 tháng qua, Việt Nam đã nhập 66.000 ô tô nguyên chiếc, đạt kim ngạch 1,387 tỷ USD, giảm 4,4 % về lượng và 14% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá ô tô giảm mạnh khiến việc kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lợi nhuận và chi phí. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang chịu mức giá cao đến phi lý, ngay cả khi đã giảm giá mạnh, các hãng ô tô vẫn có lợi nhuận. Lợi nhuận của các hãng chỉ ít đi không thua lỗ.
Thực tế, do tâm lý chờ thuế giảm của khách hàng khiến sức mua giảm, từ đó buộc các hãng phải bớt lãi đẩy hàng tồn và kéo mặt bằng giá trên thị trường giảm sâu. Nhiều nhận định cho thấy từ nay đến cuối năm xu hướng giảm giá xe tiếp tục diễn ra, cho dù các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ có tiếp tục thua lỗ. Bởi mặt bằng giá xe năm 2017, kể cả xe trong nước và nhập khẩu, được tính dựa trên mức thuế vẫn còn cao.
Sang năm 2018, thuế sẽ xuống thấp hơn nhiều. Theo quy luật, thị trường ô tô Việt Nam thường có nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, năm 2017 rất có thể sẽ ngược quy luật. Lúc này đây, mọi kỳ vọng của người Việt đang đổ vào những sản phẩm mới sẽ xuất hiện vào năm tới. Hàng chục mẫu xe mới, nhất là xe nhỏ, giá rẻ sắp về nước, khiến người tiêu dùng càng quyết tâm chờ đợi.