Trong khi đó, liên quan đến việc đầu tư nhà ga T3, đầu năm 2017 Hãng hàng không Vietjet đã đề nghị Bộ GTVT cho đầu tư nhà ga có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21ha. Vietjet cũng xin đầu tư dự án tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30ha, với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.
Mới đây, Tập đoàn FLC cũng đề xuất Bộ GTVT tham gia đầu tư nhà ga T3. Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways (thuộc FLC), nhấn mạnh dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nếu cơ chế cho phép đầu tư, FLC cam kết 1-1,5 năm sẽ hoàn thành.
Và tháng 3 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, với tư cách nhà đầu tư tư nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), cho biết về tiến độ, theo kinh nghiệm IPP đã làm tại CHKQT Cam Ranh, chỉ cần 6-8 tháng chuẩn bị hồ sơ thiết kế và 19 tháng triển khai xây dựng. Đối với dự án mở rộng Tân Sơn Nhất, với kinh nghiệm và tiềm lực sẵn có, IPP sẽ làm được nếu có cơ chế hợp tác.
Nhà nước luôn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hàng không nói riêng. Chính phủ cũng có nguyên tắc rõ ràng, lĩnh vực nào tư nhân làm được để tư nhân làm, đồng thời ủng hộ và tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Về mặt pháp lý, chúng ta đã triển khai thực hiện các hình thức đầu tư như PPP (đối tác công - tư), như là những cam kết quốc tế, đấu thầu phải cạnh tranh, bình đẳng.
Như vậy dù việc ACV có trở thành nhà đầu tư dự án nhà ga T3 còn chờ quyết định của Thủ tướng. Điều quan trọng lúc này là phải tạo sự gia tăng áp lực cạnh tranh để tư nhân tham gia. Như tại CHK Vân Đồn, nếu không có sự đầu tư của SunGroup, không biết bao giờ tỉnh Quảng Ninh mới có sân bay tầm cỡ như hiện nay.