Giá thép thế giới đang theo đà giảm

(ĐTTCO)-Bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Fitch (Fitch Solutions Macro Research) vào tháng 9 đã điều chỉnh giảm dự báo giá thép toàn cầu năm 2019, do ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cùng những rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhu cầu tăng 1
Vào tháng 4, Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) dự báo nhu cầu thép tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải khi nền kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại. Cụ thể, ước tính nhu cầu thép thế giới có thể đạt 1,73 tỷ tấn (tăng 1,3%) vào năm nay và 1,75 tỷ tấn (tăng 1%) vào năm 2020.
Trong đó, tăng mạnh nhất là khu vực Trung và Nam Mỹ, với mức tăng lần lượt 3,6% và 7,5% năm 2019, 2020. Châu Á và châu Đại Dương là nơi triển vọng tăng trưởng chậm nhất, với mức tăng 1,7% năm nay và chỉ 0,4% năm 2020, lần lượt đạt 1,19 và 1,2 tỷ tấn. 
Tuy nhiên, nhu cầu thép ở châu Á (trừ Trung Quốc) lại tăng mạnh nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng, với mức tăng dự kiến 6,5% năm 2019 và 6,4% năm 2020, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Riêng khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), cho biết tổng nhu cầu thép tại 6 nước thành viên ASEAN (ASEAN-6) đạt khoảng 74 triệu tấn trong năm 2017, dự kiến vượt 80 triệu tấn vào năm 2020. Nhu cầu thép tại các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến tăng lần lượt 2,9% và 4,6% trong 2019 và 2020. 
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2019. Dù thâm hụt ngân sách có thể ảnh hưởng đến đầu tư công, nhưng một loạt dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục có khả năng hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu thép trên 7% trong cả năm 2019 và 2020.
Còn tại các nền kinh tế phát triển, chứng kiến nhu cầu tăng trưởng yếu ớt, chỉ tăng 1,8% trong năm 2018 sau mức tăng 3,1% của năm 2017. Trong năm 2017-2018, nhu cầu thép ở Mỹ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, nhờ các chính sách tài khóa và việc làm cải thiện. Năm 2017, ngành thép Mỹ thu về 2.500 tỷ USD, tạo ra giá trị gia tăng 500 tỷ USD và hỗ trợ các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu như nguyên liệu, hàng hóa, năng lượng và dịch vụ. 
Tuy nhiên, bước sang năm 2019, tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại với hiệu ứng suy yếu của việc kích thích tài khóa và bình thường hóa chính sách tiền tệ. Do đó, cả tăng trưởng xây dựng và sản xuất của Mỹ chỉ ở mức vừa phải, đầu tư vào thăm dò dầu khí dự báo cũng giảm tốc.

Sản lượng tăng 2
Tại 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, sản lượng thép luôn tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu thụ. Tính đến quý II-2019, Trung Quốc vẫn dẫn đầu danh sách các nước có sản lượng thép lớn nhất thế giới. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 6 đạt 87,53 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sản lượng thép thô hàng ngày trong tháng 6 đã lập kỷ lục mới với trên 2,9 triệu tấn/ngày, tăng 1,5% so với mức trung bình 2,8 triệu tấn/ngày. Lũy kế 6 tháng, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 492,17 triệu tấn, tăng gần 10% so với năm trước. Sản lượng gang tăng 7,9% lên 404,21 triệu tấn.
Tuy nhiên, sản xuất thép thô của Trung Quốc dự báo giảm do nước này tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, bằng cách thực hiện các mức giảm sản lượng thép đối với từng công ty dựa trên tình hình xả thải của họ.
2 nhà máy sản xuất thép lớn ở Đường Sơn và Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc đẩy mạnh việc giảm sản lượng nhằm cải thiện ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, thị trường sẽ chịu áp lực vì nhu cầu xây dựng đang ở mức thấp do tác động của thương chiến với Mỹ.
Tại Mỹ, tính từ đầu năm đến ngày 15-6, các nhà máy thép của Mỹ đã sản xuất 45 triệu tấn thép, theo Viện Sắt thép Mỹ (AISI), tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng tháng 5, sản lượng thép thô đạt 7,7 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thép thô của Mỹ đạt mức cao nhất lịch sử 11,95 triệu tấn vào tháng 5-1973 và thấp kỷ lục là 3,8 triệu tấn vào tháng 4-2009.
Tại các nhà sản xuất lớn khác, tình hình cung cầu có vẻ cân bằng hơn. Tổng sản lượng thép thô của Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 6 đã tăng 3,4% lên 27,72 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ tăng 6,8% lên 25,2 triệu tấn. Sản xuất thép thô tháng 5 đạt khoảng 9,2 triệu tấn, tăng 5,1%.
Tuy nhiên, nhu cầu thép của Ấn Độ thường tăng lên từ tháng 4 đến tháng 6 khi có nhiều đơn đặt hàng trong quý đầu tiên của năm tài chính, sau đó sẽ giảm từ tháng 7 đến tháng 9 do hoạt động xây dựng chững lại và ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tại Nhật Bản, sản xuất thậm chí tăng trưởng âm. Nước này sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô trong tháng 5, giảm 4,6%.
 
Xuất khẩu giảm mạnh
 Với tâm lý nhà đầu tư bi quan trước những rủi ro gia tăng của nền kinh tế toàn cầu, dự báo giá thép 2019 giảm từ 650USD/tấn xuống còn 600USD/tấn.
Fitch Solutions
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thép và sản xuất thép không gỉ. Tháng 5, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt 5,73 triệu tấn, thấp nhất trong 2 tháng trước đó, giảm 17% so với cùng kỳ do nhu cầu trong nước tăng. Tổng sản lượng xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 tăng 2,5% so với năm trước, ghi nhận hơn 29 triệu tấn.
Nhu cầu thép trong nước tăng lên trong tháng 3 và 4 do hoạt động xây dựng đạt đỉnh điểm trước mùa nóng. Tình hình chững lại kể từ cuối tháng 5, do giá giảm và chi phí nguyên liệu cao đã ăn mòn biên lợi nhuận của các nhà máy. 
Tại Nhật Bản, xuất khẩu sắt thép tháng 5 giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 3 triệu tấn, do nhu cầu yếu, đơn hàng trong nước không tăng và phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác. Trong đó, hơn 2,4 triệu tấn thép được xuất khẩu sang châu Á, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dự kiến xuất khẩu thép của Nhật Bản sang Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng cuối năm.
Nhu cầu tăng chậm hơn sản lượng, trong khi xuất khẩu khó khăn, là những lý do khiến giá thép toàn cầu đi xuống. Sau khi đạt đỉnh trong quý III-2018, giá thép tại Mỹ có xu hướng giảm.
Tháng 6, giá thép cuộn cán nóng (HRB) đạt 633 USD/tấn, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá thép cuộn cán nguội (CRC) xuống còn 785USD/tấn, giảm 29,6% so với cùng kỳ. Giá thép tấm tiêu chuẩn (SP) xuống 959USD/tấn, giảm 10,3%. Tại Trung Quốc, giá thép không gỉ series 300 tăng tổng thể trong tháng 6 tại thị trường trong nước, trong khi giá thép không gỉ series 400 và series 200 giảm vừa phải.
Về lâu dài, Fitch Solutions duy trì quan điểm giá sẽ giảm tiếp tục giảm trong nhiều năm tới do các yếu tố cơ bản nới lỏng, cộng với nhu cầu giảm và tăng sản lượng. "Chúng tôi đang điều chỉnh giảm dự báo giá thép toàn cầu năm 2019 từ mức trung bình từ 650USD/tấn xuống còn 600USD/tấn.
Nguyên nhân do tâm lý nhà đầu tư rơi vào trạng thái bi quan kéo dài trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu đã gây áp lực về giá" - Fitch Solutions Macro Research cho biết trong một tuyên bố. 

Các tin khác