Vào lúc 5 giờ 45 phút sáng hôm nay 6/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay thế giới niêm yết trên Kitco tăng 2,7 USD so với cùng giờ vào sáng hôm qua, neo ở mức 1.713,4 USD/ounce, quy đổi tương đương 48,431 triệu đồng/lượng.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.724,1 USD/ounce.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch dự kiến thưa thớt với hầu hết các thị trường Mỹ đóng cửa nhân ngày nghỉ Lễ Lao động.
Vào thứ Sáu 2/9, vàng thế giới đã ghi nhận ngày hồi phục tốt nhất trong gần một tháng, sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy tăng trưởng lương ở mức vừa phải trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, theo đó thị trường lao động đang bắt đầu nới lỏng.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết: “Những kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất trong tương lai đã giảm nhẹ, nhưng báo cáo việc làm cần phải được kết hợp với dữ liệu lạm phát tốt để đánh giá bất kỳ tác động cụ thể nào”.
Ông Craig Erlam cho biết thêm: “Hiện tại, chúng ta có thể thấy một số hỗ trợ cho vàng giữ vững trên mốc 1.700 USD/ounce. Nhưng với việc đồng đô la được ưa thích quá mức và các ngân hàng trung ương không giảm phanh tăng lãi suất, áp lực giảm giá tiếp tục có thể đến với vàng và việc phá vỡ dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mốc 1.680 USD/ounce có khả năng xảy ra”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào cuối tuần này, các nhà phân tích dự đoán ECB sẽ công bố một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục.
Đồng thời, cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 20-21 tháng 9.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm, là yếu tố hàng đầu hạn chế mức tăng của vàng, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cổ phiếu châu Âu sụt giảm sau khi Nga ngừng hoạt động dòng khí đốt theo đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu, làm dấy lên lo ngại về giá năng lượng.
Bạc giao ngay tăng 0,4% lên 18,10 USD/ounce, bạch kim tăng 1,4% lên 846,83 USD, trong khi palladium giảm 0,1% xuống 2.021,43 USD.
Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới cho biết, các lô hàng bạch kim lớn hơn dự kiến đến Trung Quốc trong nửa đầu năm đã gây ra tình trạng thiếu hụt ở các nơi khác, do nguồn cung giảm từ các mỏ khai thác.