Cùng với NK, tổng kim ngạch 2 chiều nửa đầu năm đạt 371,5 tỷ USD. Cứ cho rằng 6 tháng cuối năm cũng chỉ được vậy, tổng kim ngạch 2 chiều năm 2022 chắc chắn vượt 700 tỷ USD.
Nhờ chiến lược tăng XK gạo chất lượng cao, gạo Việt Nam đang duy trì vị thế đứng thứ 6 về sản xuất lúa, thứ 3 thế giới về XK gạo. Trong khi đó, XK thủy sản tăng 40,8% với chủ lực là cá ba sa, thực sự có ý nghĩa với thị trường thực phẩm khi dịch gia súc rình rập, có nước cấm XK thịt gà.
Nửa đầu năm XK cá tra 1,4 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ 2021. Hiện có 117 thị trường NK các sản phẩm cá tra Việt Nam, trong đó cá tra phi lê đông lạnh tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất 88%, chứng tỏ việc chế biến sâu ngày càng thực chất. Các mặt hàng công nghiệp hàng đầu như điện thoại, điện tử, quang học, may mặc… vừa có kim ngạch cao lại có mức tăng thuyết phục, làm nòng cốt duy trì chuỗi cung ứng từ Việt Nam ra toàn cầu.
Đa số quy định hướng dẫn thực thi của ta tương thích với các cam kết trong các hiệp định thương mại (FTA), tác động ngay đến XK. Các mặt hàng chủ lực được mở rộng thị phần XK nhờ các lợi thế cạnh tranh tương đối so với hàng hóa cùng loại của các nước khác. Các FTA mới nhất có hiệu lực từ đầu năm 2022 đang được các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng ngay để tăng tốc XK vào các thị trường thành viên RCEF, đặc biệt các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Tuy nhiên, sau nhiều lần tăng liên tiếp, giá xăng cao chưa từng thấy và chưa có tín hiệu dừng lại, đã xô đổ mọi kỷ lục, nhấn chìm mọi nỗ lực, tạo ra hiệu ứng domino tăng giá, làm ảnh hưởng trực tiếp đến XK và gián tiếp tới NK đầu vào. Thủy sản thời gian tới có thể chững lại. Thiếu nguyên liệu chế biến hàng XK là vấn đề đầu tiên ngành thủy sản phải đối mặt trong những tháng tới.
Giá xăng dầu tăng, số tàu cá nằm bờ chắc không dừng lại, nguyên liệu ngày càng khó khăn. Cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, vẫn thiếu container rỗng… làm tăng giá hàng hóa, suy giảm sức cạnh tranh. XK vải thiều, thanh long, xoài… giá cao ngất so với bán trong nước, song kèm theo là tốn kém chi phí logistics, vì thế không nên quá háo hức.
Với khoảng một nửa hàng dệt may vào Mỹ - trở thành khách hàng lớn nhất của ta về mặt hàng này. Song do lạm phát dẫn tới giảm nhu cầu thời trang… có thể ảnh hưởng đến việc đạt mục tiêu XK năm 2022 của ngành dệt may. Đề án chuyển việc XK sang Trung Quốc từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn trên bàn, việc XK qua đường biên vẫn thấp thỏm rủi ro. Số xe tải hàng từ Đại lục sang ta thường vượt trội số xe của ta sang đó. Tải trọng mỗi xe có thể tương đương, song xe bên kia là hàng công nghệ, còn ta là hoa quả và thủy sản tươi, chênh lệch về trị giá NK từ bạn với XK của ta là đương nhiên và sẽ còn rối mù giải cứu.
Hàn Quốc gia hạn điều tra chống bán phá giá ống đồng đúc từ Việt Nam. Australia khởi xướng điều tra chống bán phá giá hợp chất Amoni nitrat từ Việt Nam. Mỹ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tủ gỗ, đồng thời gia hạn xem xét khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại ống thép từ Việt Nam. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine chưa tới hồi kết. Chuỗi cung ứng có thể còn dứt gãy, các chuyến giao hàng có thể lại ngưng trệ, kẹt thanh toán...
Để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ, hoàn thành các mục tiêu, cần tiếp tục phát triển có trọng tâm các ngành công nghiệp nền tảng, sản xuất hàng XK, công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, an toàn vì sự sống; điều hành XNK chủ động… góp phần cho tăng trưởng bền vững.