Nhưng với tỷ lệ DN giải thể hàng năm 60%, số DN thành lập mới mỗi năm ít nhất 400.000, gấp gần 4 lần số DN đăng ký hàng năm hiện nay. Đây là mục tiêu nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Thực ra kỳ vọng của việc đạt các mục tiêu này và xa hơn là mục tiêu 2 triệu DN vào năm 2030, là huy động sự tham gia của khu vực hộ kinh doanh cá thể và chuyển đổi thành DN.
Nhưng sự chuyển đổi và tham gia của họ cần được thúc đẩy bằng những biện pháp cải cách về quy định pháp luật mang tính đột phá, phù hợp với khoa học pháp lý, các quy luật của thị trường, thông lệ quốc tế và bản chất, đặc điểm của các hộ kinh doanh cá thể, hơn là các biện pháp bắt buộc, quy định bằng biện pháp hành chính.
Những đề xuất như quy định hộ kinh doanh thành DN trong Luật DN, hay xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh rất đáng lo ngại, do nó phá vỡ cấu trúc của Luật DN, gây mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành, không dựa trên các nguyên tắc về phương diện khoa học pháp lý, khiến khu vực DN Việt Nam ngày càng xa rời thông lệ quốc tế.
Dùng mệnh lệnh hành chính hay bắt buộc các hộ kinh doanh đăng ký theo Luật DN cũng không mang lại hiệu quả, thậm chí gây tổn hại cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh hiện đang chiếm tới hơn 30% GDP. Cách tiếp cận đúng đắn hơn là tạo ra loại hình DN phù hợp với hộ kinh doanh cá thể, để họ tự nguyện đăng ký hoặc đăng ký lại được dễ dàng, trên cơ sở họ tự cân đối về những lợi ích và chi phí của việc đăng ký lên DN.
Luật DN cần dọn chỗ cho hộ kinh doanh cá thể để họ tự lựa chọn, thay vì dùng biện pháp bắt buộc. Vì thế, cải cách hình thức pháp lý về DNTN đang quy định trong trong Luật DN, sẽ là một trong những chìa khóa chính để cải cách khu vực hộ kinh doanh, khuyến khích họ tự nguyện chuyển đổi thành DN, đảm bảo việc chuyển đổi này bền vững và hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hình thức DN cá thể hay DN một chủ (tức DNTN theo cách gọi của Việt Nam) được ưa chuộng ở nhiều nước. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN tham gia chính thức vào cộng đồng DN dưới ngôi nhà chung của Luật DN, việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ DNTN thành DN cá thể hay DN một chủ, nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình DN này.
Tiếp đó, cần dành một chương riêng trong Luật DN cho các DN cá thể hay DN một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới). Chương này sẽ quy định rõ khu vực DN này sẽ áp dụng các chế độ về kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của DN một chủ (thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay).
Đồng thời, Luật DN cũng sẽ quy định rõ các DN cá thể hay DN một chủ sẽ được đăng ký ở cấp quận, huyện (thay vì tại phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh, thành phố như hiện nay), cùng cấp với nơi hộ kinh doanh cá thể hiện đang đăng ký kinh doanh. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phân quyền về chức năng nhiệm vụ, cũng như hệ thống quản lý kinh doanh trực tuyến xuống hơn 710 quận, huyện trên toàn quốc, để thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với DN cá thể hay DN một chủ, giảm chi phí đi lại, chi phí đăng ký kinh doanh khi người dân, hộ kinh doanh đăng ký theo hình thức DN này.
Cuối cùng, trong vòng 5 năm sau khi các quy định trên có hiệu lực, người dân có thể lựa chọn đăng ký thành lập theo hình thức hộ kinh doanh cá thể như hiện tại, hay theo hình thức DN cá thể hay DN một chủ theo quy định mới. Các hộ kinh doanh cá thể hiện tại không bị bắt buộc phải đăng ký lại hoặc chuyển đổi thành DN (trừ các hộ kinh doanh lớn và có rủi ro về thuế).
Sau 5 năm, sẽ chỉ còn hình thức DN cá thể hay DN một chủ để người dân lựa chọn khi đăng ký kinh doanh theo hình thức DN một chủ, tự doanh. Những thay đổi này sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn giấc mơ 1,5 triệu DN và xa hơn là 2 triệu DN hoạt động trong tương lai.