Duyên ngầm với sen
Tháng 3, khi các loài cây trái ở cố đô Huế vẫn tỏa hương hoa đón nắng xuân là lúc người trồng sen bắt đầu xuống giống. Giữa hồ nước hộ thành hào trước mặt Đại nội Huế vừa làm sạch, Phạm Thị Diệu Huyền với thân hình mỏng manh cặm cụi, cẩn thận cấy từng gốc sen.
Huyền kể nghề trồng sen cũng đòi hỏi kinh nghiệm như cây lúa: “Tháng giêng ủ gốc, lo dọn đáy hồ, rồi đợi thời tiết thuận lợi đem sen ra trồng. Sen trồng bằng thân (người Huế gọi mặt sen). Cứ trung bình 1ha trồng khoảng 500 mặt sen. Ngày trước, em rong ruổi khắp nơi theo các lão nông trồng sen, tỉ mỉ quan sát học hỏi. Nhưng có năm trồng cả gần 5ha, bỏ ra ngót nghét trăm triệu đồng mua giống đến thời điểm gần thu hoạch thì sen chết rụi. Rứa mà trắng tay”.
Dù thất bại nhưng Phạm Thị Diệu Huyền không nản chí. Cô như mối “duyên ngầm” với sen. Từng theo học ngành Công nghệ Sinh học, làm công việc đúng chuyên môn với mức lương 15 triệu đồng/tháng tại TPHCM, nhưng cô gái Cố đô lại từ bỏ tất cả trở về làm nông dân vừa trồng sen, vừa học hỏi... Cứ thế các hồ nước rộng lớn, phủ đầy bèo lục bình, rau muống hoặc trống trải trước mặt các khu di sản Huế dần thay bằng những bông sen vươn mình lên khỏi mặt nước, bung cánh đua nở làm say đắm lòng người.
Diệu Huyền hướng dẫn du khách trải nghiệm ướp trà sen.
Tiếp đó, Huyền tự tay làm hoa sen sấy lạnh; trà ướp hoa sen; trà tâm sen; trà lá sen… như món quà ân tình xứ Huế. “Năm 2014, em có cơ hội tiếp xúc với các khách du lịch và rút ra một điều, Huế là thành phố du lịch, nhưng các sản phẩm quà tặng chưa đáp ứng nhu cầu. Có nhiều nơi mạo danh hoặc làm nhái sản phẩm đặc sản của Huế làm dần mai một và thất truyền những làng nghề truyền thống” - Huyền thật thà chia sẻ. Sau đó cô quyết tâm khởi nghiệp với đặc sản sen trắng hoàng cung, và đưa những câu chuyện từ văn hóa Huế đến từng sản phẩm để thu hút khách hàng.
Nghĩ là làm, Huyền cùng chồng là anh Trần Anh Tuấn lập tức bắt tay vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu cách thức trồng sen cổ trắng mà theo sử sách, dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945), ao hồ ở các khu di tích thường chỉ trồng sen trắng - giống sen có bông thơm, hạt ngon. Đặc biệt, với ý nghĩa thanh cao, tinh khiết, sen trắng được chọn trồng ở hồ Thái Dịch với dụng ý nâng đỡ những bước chân thiên tử khi đi qua cầu Trung Đạo - lối đi ngày xưa chỉ dành riêng cho nhà vua.
Nhưng tác động chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và môi trường nước ô nhiễm nên giống sen trắng giảm nhiều về số lượng lẫn chủng loại... “Em kết hợp Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng người dân địa phương cải tạo ao hồ để trồng sen trắng. Dự án không chỉ giúp phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm mà còn tương hỗ lẫn nhau hình thành nên một hình ảnh đẹp, tinh tế và sang trọng cho Cố đô Huế” - Huyền chia sẻ.
Huyền được các lão nông có kinh nghiệm trồng sen tại Huế chia sẻ những kỹ thuật trồng loại sen trắng đặc trưng của Huế. Bởi sen trắng dường như chỉ thích hợp với thổ dưỡng ở Huế. Sen trắng có năng suất thấp so với sen hồng, nhưng bù lại nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao. Huyền dành nhiều thời gian nghiên cứu sách về hoàng cung cũng như tham vấn các ý kiến từ các chuyên gia để thử nhiều công thức pha chế trà hoa sen sấy lạnh, trà hoa sen ướp, trà tâm sen, trà lá sen… cũng như hoa sen trắng tươi cho những ai muốn thưởng thức hoa. Những đơn hàng về các sản phẩm sen và hoa tươi dần nhiều lên.
Gói ân tình xứ Huế
Không những tạo hình ảnh đẹp, tinh tế và sang trọng cho Huế khi những hồ sen khoe sắc tỏa hương, dự án Mộc Truly Hue’s do Huyền sáng lập còn góp phần nâng tầm giá trị sen Huế. Từ những sản phẩm với hương vị đặc trưng của sen Huế, Mộc Truly Hue’s khéo léo lồng ghép những câu chuyện để du khách có cơ hội khám phá tầng sâu văn hóa Huế qua giá trị về ẩm thực, văn hóa, lịch sử…
Mộc Truly Hue’s còn áp dụng phương pháp sấy lạnh thực phẩm - một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về chế biến thực phẩm sau thu hoạch để những sản phẩm từ sen xuất hiện trong cả 4 mùa. Qua đó, mỗi khi đến Huế, bất cứ lúc nào du khách cũng cảm nhận được hương vị từ sen. Điều này cũng góp phần gây ấn tượng với du khách bốn phương, góp phần nâng tầm thương hiệu sen Huế. Ngoài ra, Mộc Truly Hue’s còn lưu giữ những sản vật không bị thất truyền và hơn thế nữa là đưa tất cả các đặc sản nổi tiếng xứ Huế đến mọi miền Tổ quốc, để mọi người thưởng thức sản vật ở một vùng đất từng là kinh đô của đất nước.
Để làm được điều này, Phạm Thị Diệu Huyền không quản ngày đêm mày mò sáng tạo, đưa chất liệu màu sắc, mô-tip của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm trên tranh làng Sình - dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Huế. Huyền cho biết, muốn du khách thưởng thức không chỉ biết đến mỗi đặc sản bên trong mà còn biết đến di tích Huế, văn hóa Huế.
“Bao bì nhãn mác bình thường, khi bóc một gói mè xửng - đặc sản nổi tiếng của cố đô Huế ra, bạn sẽ vứt đi cái vỏ. Nhưng với nhãn mác của Mộc Truly Hue’s, mọi người có thể vừa ăn đặc sản Huế vừa được ngắm và biết thêm thông tin, câu chuyện các thắng cảnh, di tích Huế. Hoặc cũng có thể giữ lại, trưng cất làm kỷ niệm như một bức tranh về Huế” - Huyền chia sẻ.
Dự án Mộc Truly mà Diệu Huyền thường gọi là “Gói ân tình xứ Huế”; “Xứ Huế thu nhỏ” - mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng tinh tế và trang nhã sau đó đạt Giải A tại cuộc thi khởi nghiệp do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức năm 2019. Giải thưởng ấy là nguồn động viên lớn đối với những nỗ lực của Diệu Huyền, nhưng còn một giải thưởng tinh thần lớn hơn nữa là mỗi sáng thức dậy, mọi người lại được thưởng thức hương sen phảng phất trong cái dịu dàng trầm lắng của cố đô Huế và các sản vật do chính Diệu Huyền chung tay phục dựng.