“Lao động đã về quê, họ đã đi kiếm việc khác và họ phải tìm mọi cách để duy trì cuộc sống”, giọng ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có phần chùng xuống. Ông thừa nhận sẽ chỉ khoảng 60-65% lao động quay trở lại với ngành dệt may sau khi Việt Nam khống chế được dịch.
Ông Cẩm nêu vấn đề này tại Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 1-10.
Ít ngày sau, khi đưa ra 3 kịch bản để phục hồi trong thời gian còn lại của năm, Vitas nhấn mạnh tất cả doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến người lao động, quan tâm đến những người đang còn làm việc, những lao động đang nghỉ không lương, kêu gọi lao động trở lại làm việc để họ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, khích lệ, động viên để người lao động sẵn sàng đi làm…
"Không có việc, tôi ở lại không có gì sống. Chỉ mong đừng mưa nữa để sớm về đến nhà rồi làm ruộng, ở gần các con", chị Lý Thị Cúc (quê Hà Giang) nói trên đường về quê, khi qua đoạn Bến Thủy ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh:Phạm Trường. |
Hai vấn đề lớn
Thực tế, nỗi lo thiếu hụt lao động đang hiển hiện, tất nhiên không chỉ đối với riêng ngành dệt may, khi những ngày qua hàng nghìn người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê bằng các phương tiện cá nhân. Ở chiều ngược lại, công nhân về quê đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, thu nhập bấp bênh.
Trao đổi với Zing, TS Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng để cung ứng hiệu quả lực lượng lao động cho TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam trong thời gian tới, cần giải quyết 2 vấn đề chủ chốt.
Thứ nhất, làm thế nào để người lao động được tự do đi lại. Theo đó, Chính phủ, các địa phương cần có giải pháp chung, đồng bộ về việc di chuyển sau khi nới lỏng giãn cách; đồng thời có lộ trình phù hợp về việc mở lại xe khách, tàu hỏa, đường hàng không và đường thủy.
Thứ hai là làm thế nào để giải quyết được vấn đề tâm lý cho người lao động. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội phân tích nhiều người rời TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai trong tâm thế hoang mang.
Những người lao động đã rời đi cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn quay trở lại, về việc dịch có thể bùng phát lần nữa, việc tiêm chủng vaccine, chi phí sinh hoạt, đi lại…
Doanh nghiệp lúc này cần thể hiện tinh thần muốn “đồng cam cộng khổ”, hỗ trợ và đảm bảo cuộc sống cho người lao động để họ yên tâm làm việc. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bản thân các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong khi sau mở cửa chi phí sẽ độn lên rất lớn.
“Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, đảm bảo tính kịp thời, song song, hỗ trợ người dân chủ yếu về giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt”, vị chuyên gia hiến kế.
Cần có phương án cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất
Trong khi đó, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng trong đoàn người ồ ạt về quê chủ yếu là lao động tự do không có việc làm hoặc mức lương không đủ sống nên không thể tiếp tục bám trụ lại thành phố.
Những ngày qua, hàng nghìn người rời TP.HCM về quê bằng các phương tiện cá nhân. Nguy cơ khủng hoảng lao động ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là rất lớn. Ảnh:Chí Hùng. |
Bên cạnh yếu tố cạn kiệt tài chính và không biết đến khi nào mới được quay trở lại làm việc, nhiều người rời TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai vì lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại.
"Họ mất việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở cũng chưa rõ về kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nếu nhận được phương án cụ thể, thông tin tuyển dụng tại các khu công nghiệp, sẽ giúp người lao động cân nhắc quyết định đi hay ở", bà Ngân nói.
Do đó, muốn giữ chân người lao động, cơ quan quản lý cần có phương án, lộ trình cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất trở lại. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì công khai thông tin tuyển dụng cho người lao động nắm rõ.
"Lao động mất việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở cũng chưa rõ về kế hoạch sản xuất kinh doanh", bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Đối với các doanh nghiệp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị phải thường xuyên thông tin tới người lao động, khích lệ họ quay về làm việc. Các địa phương cần có chính sách đồng nhất, tạo điều kiện cho người lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp.
Còn từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TPHCM (Agtek) - cho rằng việc triển khai hiệu quả các gói an sinh và khai thông "biên giới" các tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện để người lao động quay trở lại.
Tiếp đó, doanh nghiệp nên cố gắng bố trí chỗ ở cho người lao động để có thể tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ". Chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp mượn các chung cư, trường học, ký túc xá... đang bỏ trống làm nơi cư trú tạm thời.
Ngoài ra, khi TPHCM hay Bình Dương, Đồng Nai mở cửa trở lại, nhiều lao động sẽ trở lên tìm việc làm, nhưng cũng có nhiều người quyết định ở lại quê hương. Tuy nhiên, lượng việc làm ở tỉnh không nhiều, thu nhập khá bấp bênh nên khó có thể tích lũy.
TS Đào Quang Vinh thẳng thắn nhìn nhận rất khó để kiếm được một công việc tốt ở quê. Ông cho rằng để cải thiện tình hình, cần phải mở cửa trở lại để khơi thông các kênh đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra công ăn việc làm.
Đối với bài toán việc làm cho đối tượng hồi hương, các tỉnh nên khảo sát lại nhu cầu, sau đó phân loại để đào tạo nghề phù hợp với nhóm ngành mà địa phương đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Các chương trình cho vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh cũng cần được quan tâm hơn nữa.