Gửi "tối hậu thư" dọa thanh lý hợp đồng nếu chủ nhà không miễm, giảm tiền thuê
Ngày 6-10, khi những ồn ào quanh chuyện coi thường đối tác cho thuê mặt bằng vẫn đang nóng, Thế Giới Di Động gửi tiếp công văn đến đối tác mặt bằng của chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh (TGDĐ/ĐMX). Theo đó, Thế Giới Di Động yêu chủ nhà phản hồi trước ngày 25-10, để thống nhất mức giảm giá thuê mặt bằng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong trường hợp 2 bên đạt thỏa thuận, hợp đồng thuê sẽ điều chỉnh theo sự thống nhất của 2 bên.
Thế Giới Di Động "dọa" nếu chủ nhà không có phản hồi, công ty sẽ tiến hành các nội dung như đã thông báo trong công văn ngày 2-8. Khi đó, Thế Giới Di Động sẽ xúc tiến các thủ tục để thanh lý hợp đồng thuê theo điều kiện bất khả kháng.
Trong công văn này, Thế Giới Di Động tiếp tục nhắc lại nội dung của công văn cũ ngày 2-8, thông báo sẽ không thanh toán 70-100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian bị hạn chế bán hàng hoặc phải đóng cửa để phối hợp phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-8-2021.
Công văn của doanh nghiệp này cũng thông báo tiền thuê đã thanh toán trước sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng, buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Chủ nhà bức xúc vì không nhận được sự tôn trọng
Ngay sau khi nhận được công văn của Thế Giới Di Động qua Zalo, nhiều đối tác cho thuê mặt bằng hết sức ngỡ ngàng về cách hành xử thiếu văn minh của doanh nghiệp này.
Bà B.L, một chủ mặt bằng tại quận 12 (TPHCM), cho biết Thế Giới Di Động vẫn còn nợ tiền thuê nhà tháng 8 và 9, là 176 triệu đồng. Thế nhưng, Thế Giới Di Động lại tự ý cấn trừ theo như nội dung công văn ngày 2-8, dẫn đến việc bà B.L nợ ngược lại hơn 136 triệu đồng.
Bà đã 2 lần gửi văn bản phúc đáp, thể hiện quan điểm không đồng ý với bất kỳ điều kiện nào trong các công văn do Thế Giới Di Động gửi, và đề nghị thanh toán đủ theo hợp đồng.
"Trong trường hợp sau ngày 10-10, Thế Giới Di Động vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ của hợp đồng đã ký, tôi sẽ sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng", bà B.L bức xúc nói.
“Đi một vòng lấy về được 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê nhà”
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Thế Giới Di Động tự ý giảm tiền thuê nhà. Trước đó, trong tháng 6, doanh nghiệp này cũng có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm, để chia sẻ khó khăn với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX).
Đều đáng nói, BHX lại hưởng lợi lớn từ đại dịch Covid-19 khi chợ truyền thống buộc phải đóng cửa để phòng chống Covid-19.
Cụ thể, trong tháng 7, doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX tiếp tục tăng lên hơn 2,1 tỷ đồng, tổng doanh thu đã được nâng lên mức 4.240 tỷ đồng (tăng 134%).
Về kết quả kinh doanh chung, bao gồm TGDĐ/DMX và BHX, Thế Giới Di Động cũng ghi nhận những có số cực kỳ ấn tượng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 8 tháng là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với kỳ năm 2020).
Với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của 3 chuỗi cửa hàng kinh doanh kể trên, lợi nhuận sau thuế 8 tháng của Thế Giới Di Động đạt 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái).
Kết quả này chắc chắn có sự “đóng góp” không nhỏ từ tiền giảm giá mặt bằng. Bởi câu chuyện này từng được ông Trần Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động tiết lộ tại sự kiện Shark Tank Forum tháng 11-2020.
"Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê", ông Tài chia sẻ.
Cũng theo ông Tài, tỷ lệ chi phí thuê mặt bằng/doanh thu của Thế Giới Di Động là khoảng 1,5-2%. Tính đến cuối tháng 8, Thế Giới Di Động hiện có 4.700 cửa hàng, tăng khoảng 600 so với thời điểm đầu năm 2021.
Có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công ty, bên thuê mặt bằng ngừng kinh doanh, không có doanh thu nên rất cần sự chia sẻ của bên cho thuê, cho dù có thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng hay không.
Để đạt thỏa thuận, hai bên cần ngồi lại thương lượng, để bảo đảm quyền lợi hài hòa. Bên cho thuê cũng cần thấy hoàn cảnh dịch bệnh nghiêm trọng để xem xét giảm hoặc miễn tiền thuê...
Tuy nhiên, việc bên thuê đơn phương gửi văn bản định sẵn số tiền giảm, và mặc định chuyển khoản số tiền cho bên cho thuê, thì đó chỉ là ý kiến đơn phương của bên thuê. Chính công văn này có lẽ gây phản cảm cho dư luận và bên cho thuê.
Bên cho thuê không đồng ý thì có thể phản hồi lại bằng văn bản không đồng ý. Khi có tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án. Do vậy, một bên đơn phương gửi văn bản đưa ra các yêu cầu mà bên còn lại không đồng ý thì về pháp lý, bên cho thuê vẫn không chịu trách nhiệm, và văn bản này cũng không có giá trị về mặt chứng cứ.
Pháp luật không bắt buộc hay quy định bên cho thuê phải miễn, giảm bao nhiêu khi có sự kiện bất khả kháng, mà pháp luật chỉ quy định vấn đề này do các ghi nhận trong hợp đồng hoặc tự thỏa thuận. Không thỏa thuận được thì một trong các bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.